Phòng, chống bạo lực gia đình: Cần giải pháp quyết liệt
- Bạo lực gia đình (BLGĐ) để lại nhiều hậu quả về thể chất và tinh thần cho nạn nhân, kéo theo hệ lụy xã hội. Thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng số vụ BLGĐ vẫn gia tăng.
Tiểu phẩm tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình tại Phiên tòa giả định xét xử vụ án về phòng, chống bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư
Theo Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022, BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. BLGĐ là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.
Gia tăng số vụ bạo lực gia đình
Chị T.T.O, xã Tân Minh, huyện Tràng Định lấy chồng đã hơn 20 năm nay. Chồng chị thường xuyên uống rượu say, sau đó chửi bới, đánh đập chị. Đầu năm 2023, vì không chịu được cảnh bị bạo lực, chị đã báo với chi hội phụ nữ thôn và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Bà Hoàng Thị Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Minh cho biết: Khi nhận được thông tin, tôi cùng lãnh đạo xã, công an đến nhà chị O để nắm tình hình, nguyên nhân của BLGĐ. Công an xã đã yêu cầu chồng chị O viết cam kết không được tái phạm. Trong năm 2023, xã xảy ra 2 vụ BLGĐ. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người vợ thường có thái độ cam chịu, không muốn tố cáo, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, xem vấn đề này là chuyện riêng của gia đình nên khó khăn cho công tác phòng, chống BLGĐ.
Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng là nơi hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho nạn nhân bị BLGĐ về nơi tạm lánh, nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của BLGĐ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 1.200 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, với trên 3.600 người phụ trách. Trung bình mỗi phường, xã, thị trấn có ít nhất 1 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng có điều kiện tạm lánh. |
Không chỉ có trường hợp trên, hiện nay tình trạng BLGĐ có xu hướng gia tăng về tính chất, mức độ. Năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 60 vụ BLGĐ, tăng 6 vụ so với năm 2022. Trong đó xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng như: bố giết con, em giết anh, con đánh bố mẹ, chồng đánh vợ… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hình thức bạo lực đa số là bạo lực thân thể, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Nguyên nhân chủ yếu của BLGĐ là do cờ bạc, rượu chè; trình độ dân trí và đời sống, văn hóa ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh còn thấp, tồn tại những quan niệm bất bình đẳng giới, sự hiểu biết hạn chế về pháp luật… Nhiều phụ nữ không nhận thức được đầy đủ quyền của mình nên không dám đấu tranh mà cam chịu bạo lực.
BLGĐ cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ly hôn, gây tác động xấu đến đời sống xã hội. Năm 2023, tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đã giải quyết 1.116 vụ án hình sự, với hơn 2.000 bị cáo, trong đó có 4 vụ 4 bị cáo liên quan đến BLGĐ; giải quyết 1.195 vụ ly hôn, trong đó nguyên nhân ly hôn do mâu thuẫn gia đình là 1.122 vụ, do BLGĐ 7 vụ. Ông Phùng Đức Chính, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh nhận định: Số lượng vụ án liên quan đến BLGĐ được điều tra, truy tố và đưa ra xét xử không nhiều. Nguyên nhân do việc phát hiện và báo cáo số vụ BLGĐ còn chưa kịp thời, bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại chưa tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để tố giác tội phạm. Trong công tác giải quyết án, nhiều vụ án xin ly hôn trên thực tế có liên quan đến BLGĐ nhưng trong quá trình giải quyết, các đương sự thường có tâm lý che giấu về các hành vi BLGĐ vì các nguyên nhân như xấu hổ, không có căn cứ chứng minh... mà thường đưa ra các nguyên nhân khác dẫn đến mâu thuẫn để xin ly hôn nên tòa án không có căn cứ thống kê, tổng hợp. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác phòng, chống BLGĐ.
Cần sự tham gia của toàn xã hội
Từ thực trạng trên, việc nâng cao nhận thức về công tác phòng chống BLGĐ là giải pháp được đặt lên hàng đầu. Do đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, chương trình về công tác phòng chống BLGĐ.
Các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường hoạt động tuyên truyền về công tác phòng chống BLGĐ với nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lưu động, cổ động trực quan, treo băng rôn, khẩu hiệu; biên soạn, in cấp phát các tài liệu. Cụ thể, từ năm 2023 đến nay, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã chỉ đạo các thành viên tổ chức 5 hội nghị tập huấn nhằm trang bị thêm các kỹ năng, nghiệp vụ trong hoạt động gia đình và công tác phòng, chống BLGĐ cho 400 lượt cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; đăng tải hơn 150 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; treo trên 350 panô, băng rôn; in ấn 6.000 cuốn tài liệu các loại phục vụ tập huấn và truyền thông cho cán bộ, công chức, cộng tác viên, cha mẹ học sinh về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; cấp phát 5.000 tờ rơi về bình đẳng giới. Đồng thời tổ chức các hội thi, hội diễn nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6)…
Cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, các cấp, ngành quan tâm duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống BLGĐ. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 33 mô hình phòng, chống BLGĐ; 120 câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phát triển bền vững” với 660 gia đình; 120 nhóm phòng, chống BLGĐ với 1.000 thành viên. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 156 mô hình phòng, chống BLGĐ; 780 CLB “Gia đình phát triển bền vững” thu hút trên 21.130 gia đình tham gia; 780 nhóm phòng, chống BLGĐ với khoảng 31.000 thành viên.
Bà Phạm Minh Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình cho biết: Để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng BLGĐ, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu các phòng, ban, xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện giải pháp can thiệp phòng, chống BLGĐ. Trong đó chú trọng việc nhân rộng các mô hình phòng, chống BLGĐ. Đến nay, tại 17 xã, thị trấn đã thành lập được 17 mô hình phòng chống BLGĐ với 81 CLB và 81 nhóm gia đình phát triển bền vững. Các thành viên tham gia mô hình được phổ biến kiến thức pháp luật, hỗ trợ, can thiệp, giúp đỡ các gia đình khi có bạo lực.
Năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 60 vụ BLGĐ, tăng 6 vụ so với năm 2022. Trong đó xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng như: bố giết con, em giết anh, con đánh bố mẹ, chồng đánh vợ… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hình thức bạo lực đa số là bạo lực thân thể, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. |
Mặc dù các cấp, ngành chức năng đã có nhiều cố gắng, song nhiều vụ việc BLGĐ chưa được phát hiện, xử lý và can thiệp kịp thời. Bởi đặc điểm của BLGĐ là xảy ra sau cánh cửa của mỗi gia đình, nên rất khó phát hiện. Hơn nữa, nạn nhân khó có khả năng phản ứng, có tâm lý e ngại, nhận thức của người dân một số khu vực vẫn còn hạn chế... Một nguyên nhân nữa phải kể đến như: sự phối hợp giữa các cấp, ngành, các đoàn thể trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện công tác gia đình đôi khi còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên; việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ liên quan đến gia đình hiệu quả chưa cao.
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, hằng năm, sở tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành kế hoạch về thực hiện công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ban chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan; đồng thời duy trì, nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ. Đặc biệt, năm 2023, lần đầu tiên chúng tôi phối hợp tổ chức phiên toà giả định xét xử vụ án hình sự về phòng, chống BLGĐ trong cộng đồng dân cư. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp các ngành đổi mới, nâng chất lượng hoạt động tuyên truyền phòng, chống BLGĐ; đẩy mạnh triển khai thực hiện nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác gia đình. Từ đó, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của người dân, đẩy lùi BLGĐ.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp, ngành, sự vào cuộc của toàn xã hội. Cùng với đó, bản thân người phụ nữ cần phải tự trang bị cho mình các kiến thức pháp luật về phòng, chống BLGĐ; chủ động nâng cao vị thế trong gia đình, xã hội; tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể để được chia sẻ, động viên và giúp đỡ kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Khi bị BLGĐ phải liên hệ ngay với thôn, tổ dân phố, chính quyền nơi sinh sống để được hướng dẫn, giúp đỡ.
Ý kiến ()