Phòng cháy và chữa cháy là nghĩa vụ của mỗi công dân
Cách đây 50 năm ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đây cũng là nền móng cho việc xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC. Ngày 4-10-1996, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định lấy ngày 4-10 hằng năm làm Ngày toàn dân PCCC. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị "Tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ". Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng công tác PCCC.Ngay sau khi được thành lập, lực lượng Cảnh sát PCCC (nay là lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ) đã nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương trên toàn miền bắc và triển khai nhiệm vụ theo Pháp lệnh PCCC; xây dựng phong trào quần chúng tham gia công tác PCCC rộng khắp, làm nòng cốt cho phong trào "Phòng gian, phòng gián, phòng hỏa" trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi đế quốc Mỹ dùng...
Ngay sau khi được thành lập, lực lượng Cảnh sát PCCC (nay là lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ) đã nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương trên toàn miền bắc và triển khai nhiệm vụ theo Pháp lệnh PCCC; xây dựng phong trào quần chúng tham gia công tác PCCC rộng khắp, làm nòng cốt cho phong trào “Phòng gian, phòng gián, phòng hỏa” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá miền bắc, trong “mưa bom, bão đạn”, lực lượng Cảnh sát PCCC đã mưu trí, dũng cảm hướng dẫn nhân dân sơ tán, ngụy trang tài sản, xả thân chiến đấu với giặc lửa bảo vệ hàng nghìn nóc nhà, hàng chục nghìn tấn lương thực, vũ khí đạn dược, cứu được hàng nghìn tấn xăng, dầu chi viện cho chiến trường miền nam. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm lá cờ truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC, được Chủ tịchHồ Chí Minh gửi thư khen và tặng Huy hiệu của Người.
Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, bước vào thời kỳ đổi mới, để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham mưu Bộ Công an thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về PCCC, từng bước thực hiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực PCCC trong cả nước; tham mưu Bộ Công an đề xuất và được Quốc hội khóa X thông qua Luật PCCC. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương mà nòng cốt là lực lượng công an, công tác PCCC đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng phát triển sâu rộng và công tác PCCC đã trở thành nghĩa vụ của mỗi công dân; hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC được tăng cường… Những kết quả đó đã từng bước kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình cháy diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số người chết và tài sản thiệt hại. Trung bình mỗi năm cả nước thiệt hại 500 tỷ đồng, hàng nghìn ha rừng bị cháy, gây thiệt hại do việc ngừng sản xuất, kinh doanh, tác động xấu đến trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Nguyên nhân của tình trạng này là do một số cấp ủy đảng chưa thật sự quan tâm đến công tác PCCC; sự chỉ đạo của một số cấp chính quyền, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở còn thiếu chủđộng và thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác PCCC… Trang bị, phương tiện PCCC và công tác tổ chức lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng ở nhiều nơi còn thiếu, yếu và bất cập; ý thức trách nhiệm và kiến thức PCCC của người dân chưa cao…
Để khắc phục những yếu kém và bất cập nêu trên, với phương châm “Phòng ngừa là chính” các bộ, ngành chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; UBND các cấp cần tăng cường công tác phối hợp MTTQ, Đoàn Thanh niên và các đoàn thể quần chúng ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”; Bộ Công an chủtrì, phối hợp các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC; các cấp ủy đảng, đoàn thể, đơn vị, cơ sở thường xuyên kiểm tra, phát hiện và khắc phục ngay các sai phạm, sơ hở, thiếu sót có thể gây cháy lan, cháy lớn… Người đứng đầu các ngành, đơn vị, cơ sở phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra cháy, nổ trong phạm vi phụ trách; Chủ tịchUBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thủ trưởng các bộ, ngành, đoàn thể chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại đơn vị, địa phương.
Làm tốt những nhiệm vụ trên đây, chúng ta tin rằng, cả nước sẽ từng bước kiềm chế tình trạng cháy, nổ, tiến tới giảm thiểu tác hại nghiêm trọng do cháy, nổ gây ra, bảo đảm tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()