Phòng cháy, tốt hơn phải chữa cháy
Từ đầu năm đến nay, cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy, trong đó phải kể đến nhiều vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng: tại một nhà dân ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) gây ra cái chết thương tâm của năm người. Trước đó là một số vụ cháy gây thiệt hại tiền tỷ như: vụ cháy chợ Thới Bình (Cà Mau), thiệt hại ước tính hơn bốn tỷ đồng; vụ cháy ở Khu công nghiệp Tân Đức, xã Đức Hòa, huyện Đức Hòa (Long An), thiệt hại gần 10 tỷ đồng và gần đây nhất là vụ cháy tại kho sơn của Công ty TNHH Thành Hoàng Châu, thuộc quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) thiệt hại hàng chục tỷ đồng…
Nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ thì nhiều, nhưng chủ yếu do người dân bất cẩn khi sử dụng lửa, thắp hương nơi thờ cúng hoặc chập điện gây cháy… Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận, những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ chưa được quan tâm đúng mức; chưa tạo được ý thức phòng ngừa cháy, nổ trong các tầng lớp nhân dân cho nên tình trạng vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy còn phổ biến. Quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy còn buông lỏng; lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy còn thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ; phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ….nên tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà cao tầng, chợ, khu công nghiệp, phương tiện giao thông… gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, môi trường đầu tư và an sinh xã hội.
Ngày 25-6-2015, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy trong đó nhấn mạnh, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Đối với các cơ quan chức năng, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Công tác tuyên truyền cần “vào từng ngõ, gõ từng nhà” kiểm tra, phát hiện sớm những nguyên nhân, nguy cơ xảy ra cháy, nổ để cảnh báo người dân và các doanh nghiệp. Lực lượng cảnh sát phòng cháy và lực lượng dân phố, dân phòng cần thường xuyên diễn tập thuần thục nghiệp vụ chữa cháy, để khi xảy ra cháy, nổ, kịp thời phản ứng nhanh, dập tắt ngay các đám cháy, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()