Phòng cháy chữa cháy trong trường học: Tăng tuyên truyền, giảm nguy cơ
– Với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ và hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh giới thiệu công tác chữa cháy cho học sinh mầm non
Hiện nay, toàn tỉnh có 670 trường học với trên 208.000 học sinh, sinh viên. Thực tế, trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua mặc dù không ghi nhận trường hợp cháy nổ xảy ra tại các cơ sở giáo dục, tuy nhiên, việc nâng cao ý thức PCCC vẫn luôn được ngành giáo dục và các nhà trường chú trọng triển khai, từ cấp mầm non đến các trường phổ thông, chuyên nghiệp.
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hằng năm, ngoài triển khai chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo còn chú trọng đôn đốc các phòng giáo dục, các đơn vị trực thuộc tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể giáo viên, nhân viên, người lao động về các nhiệm vụ, giải pháp PCCC trong cơ sở giáo dục; lồng ghép phổ biến công tác PCCC vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường, cơ sở giáo dục; tổ chức cho các giáo viên, nhân viên và học sinh ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự; phòng, chống pháo; phòng, chống cháy nổ trong trường học và nơi cư trú.
Theo đó, ở mỗi cấp học đã có những giải pháp triển khai linh hoạt, phù hợp. Cụ thể, ở cấp học mầm non, các bài học về PCCC được lồng ghép khá nhẹ nhàng, mọi lúc, mọi nơi để trẻ dễ tiếp thu và thích nghi, như: xây dựng tình huống giả định khi có cháy trong lớp học, yêu cầu trẻ khi phát hiện phải báo cho giáo viên; hướng dẫn trẻ di chuyển đến nơi an toàn; dạy trẻ cúi thấp người khi di chuyển khỏi đám cháy; dặn trẻ không được nấp vào những nơi khó tìm hoặc không gian nhỏ hẹp… qua đó giúp trẻ có kỹ năng thoát hiểm an toàn. Cùng đó, cho trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm liên quan đến công tác PCCC.
Có thể kể đến như tại Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Nhằm tuyên truyền về hình ảnh, công việc của lực lượng cảnh sát PCCC và nâng cao kiến thức, kỹ năng thoát hiểm cho trẻ nhỏ trong tình huống cháy, những ngày cuối tháng 5/2023 vừa qua, nhà trường đã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC, Cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh tổ chức chương trình trải nghiệm “Chúng em là lính cứu hỏa” cho 120 trẻ tham gia. Tại đây, các em được giới thiệu, khám phá về các trang, thiết bị PCCC; được thăm quan và tìm hiểu về công việc của người lính cứu hỏa. Qua đó, giúp trẻ nắm được một số kiến thức cơ bản PCCC và có kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố cháy, nổ xảy ra.
Đối với học sinh phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên nghiệp, việc tuyên truyền về PCCC được nhà trường lồng ghép trong nội dung các bài học giáo dục chính khóa, trong giờ chào cờ đầu tuần và hoạt động ngoại khóa, chuyên đề. Cụ thể, trong năm học 2022 – 2023, các đơn vị đã chủ động lồng ghép, phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức được hơn 1.200 cuộc tuyên truyền, tập huấn về PCCC. Trong đó tập trung phổ biến về: Cách xử lý sự cố cháy, nổ, kỹ năng thoát nạn trong điều kiện cháy; làm quen với bình chữa cháy; hướng dẫn, phổ biến số điện thoại báo cháy (114)… Đồng thời, tổ chức cho hơn 153.000 lượt học sinh từ tiểu học đến trường chuyên nghiệp ký cam kết phòng, chống cháy nổ.
Em Trần Minh Duy, lớp 8A1, Trường THCS thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định cho biết: Trong thời gian học tại trường, ngoài các bài học theo chương trình giáo dục, nhà trường còn thường xuyên tuyên truyền, tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề PCCC để nhắc nhở học sinh chúng em chú ý công tác PCCC. Đây là các hoạt động thiết thực, bổ ích, qua đó giúp chúng em có cơ hội học cách sử dụng đúng các thiết bị chữa cháy và cách thoát nạn an toàn khi gặp sự cố cháy nổ, từ đó an tâm hơn khi đi học.
Cùng với công tác tuyên truyền, các nhà trường còn chú trọng triển khai các biện pháp PCCC như: lắp đặt các thiết bị phòng cháy ở khu vực lớp học, phòng chức năng, chú trọng vào những nơi tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy nổ như: hệ thống nhà kho, phòng bảo quản tài liệu, phòng máy vi tính, hệ thống điện. Cùng đó, thường xuyên đẩy mạnh công tác tự kiểm tra và khắc phục tại chỗ các thiếu sót, thay thế, sửa chữa các thiết bị điện, thiết bị PCCC đã hư hỏng, nhằm chủ động phòng ngừa.
Thầy Bùi Ngọc Đồng, Hiệu trưởng Trường THPT Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: Nhà trường hiện có 3 dãy nhà với 18 phòng lớp học, các khu vực này đều được bố trí bình cứu hỏa, vòi nước, quần áo bảo hộ. Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt có thể gây ra cháy nổ. Qua đó, trong các năm học, cụ thể là năm học 2022 – 2023 vừa qua, không có vụ việc nào liên quan đến cháy, nổ xảy ra tại nhà trường.
Với sự chủ động, tích cực của ngành giáo dục và các nhà trường, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, kỹ năng PCCC của đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên về công tác PCCC. Trong năm học 2022 – 2023 vừa qua, không ghi nhận sự cố cháy, nổ nào xảy ra trong trường học.
Ý kiến ()