Phòng cháy, chữa cháy tại các chợ: Cần được quan tâm đúng mức
(LSO) – Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước xảy ra những vụ cháy chợ lớn với thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng trên thực tế, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các chợ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập, cần được quan tâm đúng mức để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 83 chợ truyền thống, trong đó, 16 chợ ở trung tâm các huyện và thành phố Lạng Sơn và 67 chợ nông thôn. Đây là nơi tập trung số lượng lớn người và hàng hóa nên việc đảm bảo an toàn PCCC cần phải đặt lên hàng đầu. Thế nhưng trên thực tế, công tác đảm bảo an toàn PCCC ở các khu vực này còn tồn tại nhiều hạn chế. Bà Hoàng Thị Thu, hộ kinh doanh tại chợ thị trấn Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn) cho biết: Tôi kinh doanh tại chợ này hơn chục năm nhưng đến giờ chưa thấy biển chỉ dẫn thoát nạn ở đâu. Khi có sự cố cháy nổ, tôi cũng không biết chạy theo lối nào. Hàng hóa thì bày tràn lan, lấn chiếm lòng đường, xe chữa cháy khó vào, mà người thì khó thoát ra.
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an tỉnh kiểm tra thiết bị PCCC tại chợ thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (tháng 1/2020)
Không riêng chợ thị trấn Bắc Sơn mà tình trạng bày hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lòng lề đường, sử dụng mái che, mái vẩy là tình trạng dễ nhận thấy ở các chợ hiện nay như: chợ thị trấn Lộc Bình (huyện Lộc Bình); chợ Giếng Vuông (thành phố Lạng Sơn); chợ thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc)… Hầu hết hành lang, lối đi lại trong chợ, lối thoát nạn bị chiếm dụng nếu xảy ra sự cố cháy nổ rất khó khăn cho việc chữa cháy vì không có đường để vận chuyển, giải toả hàng hoá.
Qua đợt kiểm tra gần đây nhất của cơ quan chức năng (từ ngày 2/3 đến ngày 31/3/2020 tại 26 chợ), các chợ truyền thống trên địa bàn còn tồn tại nhiều vi phạm khác như: chưa xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH); thiết bị, phương tiện PCCC trang bị không đầy đủ, không được bảo dưỡng thường xuyên, thay thế kịp thời; các hộ kinh doanh tự ý mắc nối thêm dây dẫn điện; thiết bị điện ngoài quy định; đường dây dẫn điện đi nổi chưa lắp đặt gen bảo vệ, sử dụng dây đồng thay thế dây chảy trong cầu dao, cầu chì; sắp xếp vật tư, hàng hóa sát các thiết bị điện, không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 0,5 m…
Lý giải nguyên nhân của những thiếu sót, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Chợ Việt Bắc, Trưởng Ban quản lý chợ thị trấn Lộc Bình phân trần: Chợ được xây dựng từ lâu, các cơ sở, trang thiết bị phần nhiều đã xuống cấp, hư hỏng. Doanh nghiệp cũng muốn hoàn tất các điều kiện về PCCC tại chợ để các hộ kinh doanh yên tâm hoạt động nhưng do thiếu nhân lực, kinh phí nên chưa khắc phục những hạn chế trên.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian qua, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành, huyện, thành phố triển khai nhiều biện pháp thiết thực như: tuyên truyền nâng cao nhận thức của ban quản lý các chợ, lãnh đạo doanh nghiệp, các hộ kinh doanh về công tác đảm bảo an toàn PCCC và CNCH; kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các chợ trên địa bàn về phương án PCCC và CNCH. Từ năm 2019 đến ngày 31/3/2020 (trước thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội), Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh đã phối hợp xây dựng và đăng phát 24 phóng sự, 65 tin, bài tuyên truyền và yêu cầu ban quản lý chợ hướng dẫn 100% hộ kinh doanh ký cam kết đảm bảo công tác PCCC và CNCH; kiểm tra được 3 cuộc tại 37 lượt cơ sở, lập biên bản xử phạt 3 cơ sở với số tiền 21 triệu đồng; đình chỉ hoạt động kinh doanh khu vực tầng 2 nhà A1 chợ thị trấn Lộc Bình.
Trung tá Phạm Huy Tâm, Đội trưởng Đội công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh cho biết: Qua những đợt kiểm tra định kỳ, chúng tôi nhận thấy việc đáp ứng các điều kiện về PCCC của các chợ truyền thống còn nhiều hạn chế. Sau khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi, hoạt động kinh doanh tại các chợ trở lại bình thường, chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn các ban quản lý chợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót để người dân, doanh nghiệp yên tâm mua bán, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Ý kiến ()