Phòng cháy chữa cháy rừng: Cần nêu cao trách nhiệm của chủ rừng
– Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng. Trong đó, hầu hết các vụ cháy đều do sự bất cẩn, chủ quan từ các chủ rừng. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ rừng là rất cần thiết.
Ngày 28/2/2023, tại thôn Quảng Tiến, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn xảy ra 1 vụ cháy rừng gây thiệt hại gần 1 ha. Qua xác minh của lực lượng chức năng, nguyên nhân vụ cháy trên là do trong quá trình phát dọn trảng cỏ, thực bì để trồng rừng, chủ rừng là anh L.V.C đã vứt đầu mẩu thuốc đang cháy dở xuống thực bì. Trong điều kiện thời tiết hanh khô và khu rừng có nhiều cây, cỏ khô, gió thổi mạnh đã khiến ngọn lửa bùng phát gây cháy lan ra diện tích rừng xung quanh.
Người dân tham gia chữa cháy rừng tại thôn Đồng Én, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn ngày 31/1/2023
Một trường hợp cháy rừng khác do sự chủ quan từ chủ rừng là vụ việc xảy ra lúc 17 giờ ngày 2/5/2023 tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc. Trong vụ việc này, chủ rừng là anh N.V.Đ, trú tại thôn Pò Tang, xã Hợp Thành đã thực hiện đốt dọn thực bì không đảm bảo khoảng cách giữa các dải thực bì phát dọn, không tạo đường băng cản lửa nên đã gây cháy lan. Đám cháy xảy ra trong điều kiện thời tiết hanh khô và nhanh chóng lan rộng sang khu rừng lân cận giáp ranh với xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Do trời tối, công tác dập lửa gặp rất nhiều khó khăn. Phải mất đến 10 tiếng đồng hồ thì các lực lượng chức năng mới khống chế thành công đám cháy. Tuy nhiên, vụ cháy đã gây thiệt hại 1 ha rừng.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cao Lộc cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 2 vụ cháy. Nguyên nhân gây ra cả 2 vụ cháy này đều do sự chủ quan, bất cẩn của chủ rừng. Các chủ rừng này đều đã thực hiện việc ký cam kết thực hiện các quy định về PCCCR với lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên, việc phát dọn thực bì được người dân thực hiện chưa đảm bảo quy trình nên đã dẫn đến các vụ việc trên.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 11 ha rừng. Trong đó, các địa bàn có số vụ cháy nhiều nhất là huyện Hữu Lũng (4 vụ) và thành phố Lạng Sơn (4 vụ). So với cùng kỳ các năm tính từ năm 2020 đến nay, số vụ cháy rừng trong 5 tháng đầu năm 2023 là cao nhất.
Được biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã triển khai 129 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp, thực hiện tuyên truyền lồng ghép 41 cuộc với tổng số gần 10.000 lượt người tham gia. Đồng thời, triển khai 29 cuộc tập huấn cho gần 2.000 lượt người tham dự, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương thực hiện 113 cuộc tuyên truyền lưu động, phát 583 bản tin về nội dung quản lý, bảo vệ và PCCCR… Đồng thời, trên 60.000 chủ rừng đã được lực lượng kiểm lâm hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và tổ chức ký kết phương án PCCCR. Tuy nhiên, tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra tại một số huyện, thành phố.
Qua trao đổi của phóng viên với đại diện lãnh đạo các hạt kiểm lâm nơi xảy ra cháy, trong số 12 vụ cháy rừng, có đến 8 vụ cháy xảy ra do sự chủ quan của chủ rừng. Cụ thể, các chủ rừng chưa nghiêm túc tuân thủ các quy định theo phương án PCCCR đã ký kết như: chú trọng dọn dẹp vật liệu cháy (thực bì); không mang theo nguồn nhiệt, lửa khi vào rừng; xử lý thực bì bằng phương pháp đốt (đảm bảo về kỹ thuật phát dọn thực bì, quy trình trước, trong và sau khi đốt thực bì)… Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho chính chủ rừng, một số vụ cháy còn ảnh hưởng đến rừng của các gia đình khác và gây ra những thiệt hại nhất định.
Đối với các vụ cháy trong 5 tháng đầu năm 2023, hầu hết các vụ cháy đều được các lực lượng chức năng cùng người dân và chính quyền địa phương kịp thời tham gia PCCCR nên mức độ thiệt hại so với các năm trước là nhẹ hơn, đa phần các vụ cháy chỉ gây hại cho khoảng 1 ha rừng. Mặc dù vậy, tình hình cháy rừng năm 2023 đang ở mức đáng báo động.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trước tình hình cháy rừng diễn biến phức tạp, chi cục đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện tăng cường hơn nữa các biện pháp PCCCR. Trong đó, tập trung vào tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền lưu động. Đồng thời, tổ chức tập huấn PCCCR để nâng cao ý thức, trách nhiệm cho Nhân dân, các chủ rừng. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng để thực hiện công tác tuyên truyền, quản lý bảo vệ rừng và PCCCR. Để nâng cao hiệu quả công tác PCCCR, đơn vị đã có văn bản đề nghị UBND các huyện tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác bảo vệ rừng, PCCCR tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
Hiện nay, thời tiết đã bước vào mùa nắng nóng, lượng mưa đạt thấp hơn những năm gần đây. Điều này kéo theo nguy cơ xảy ra cháy rừng tăng cao. Do đó, để PCCCR đạt hiệu quả thì bên cạnh các giải pháp lực lượng chức năng đã và đang triển khai, các chủ rừng cần nghiêm túc thực hiện theo phương án PCCCR đã được xây dựng, ký kết.
Ý kiến ()