Phòng bệnh tay, chân, miệng ở trẻ: Nỗ lực của ngành giáo dục Hữu Lũng
LSO- Theo thông tin của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Lạng Sơn, trung bình mỗi tuần có thêm từ 15-20 trường hợp phải nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng; bệnh tay, chân, miệng trên địa bàn đang có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, toàn huyện Hữu Lũng chưa ghi nhận trường hợp nào mắc và phải điều trị. Kết quả đó là sự nỗ lực của lực lượng chức năng, trong đó có ngành GD&ĐT huyện.
LSO- Theo thông tin của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Lạng Sơn, trung bình mỗi tuần có thêm từ 15-20 trường hợp phải nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng; bệnh tay, chân, miệng trên địa bàn đang có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, toàn huyện Hữu Lũng chưa ghi nhận trường hợp nào mắc và phải điều trị. Kết quả đó là sự nỗ lực của lực lượng chức năng, trong đó có ngành GD&ĐT huyện.
Năm học 2011-2012, toàn huyện Hữu Lũng có 127 ca bệnh tay chân miệng ở 18 xã, thị trấn trên địa bàn. Số ca mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Mặc dù không có ca tử vong, nhưng điều này đã làm không ít bậc phụ huynh, nhà trường, cấp ủy, chính quyền địa phương lo lắng. Chính vì vậy, ngay khi năm học 2012-2013 bắt đầu, ngành GD&ĐT huyện Hữu Lũng đã triển khai đầy đủ các văn bản liên quan đến 24 trường mầm non, 29 trường tiểu học trên địa bàn về công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ năm học trước, mọi công tác phối hợp từ tuyên truyền đến các hoạt động phòng dịch giữa ngành giáo dục với ngành y tế địa phương, các nhà trường với trạm y tế cơ sở được quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.
Các cháu lớp mẫu giáo 4 tuổi A, Trường Mầm non Liên Cơ, thị trấn Hữu Lũng thực hiện quy trình rửa tay bằng xà phòng, rửa mặt theo hướng dẫn của cô giáo để phòng dịch bệnh tay, chân, miệng (2013).
Tại Trường Mầm non Liên Cơ, thị trấn Hữu Lũng mặc dù chưa có dịch bệnh xảy ra, nhưng công tác phòng dịch được Ban Giám hiệu nhà trường và các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường thực hiện nghiêm túc. Chị Hà Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Cơ, thị trấn Hữu Lũng cho biết, năm học trước nhà trường có 4 trẻ bị mắc bệnh tay, chân, miệng, nhà trường, gia đình đã phát hiện kịp thời, sớm cho cách ly và không để xảy ra điều gì đáng tiếc. Năm học này, sau khi được cấp trên tuyên truyền, phổ biến và tập huấn lồng ghép về dịch bệnh tay, chân, miệng, cộng với kinh nghiệm sẵn có, từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch cụ thể để phòng, chống dịch bệnh tay, chân, miệng. Không chỉ 371 trẻ của 12 nhóm lớp được hướng dẫn cách rửa tay, rửa mặt đúng cách sau khi chơi và trước khi ăn, giữ gìn vệ sinh quần áo, dụng cụ học tập, vệ sinh thân thể mà nội dung phòng, chống bệnh tay, chân, miệng còn được lồng ghép vào tất cả các hoạt động của nhà trường. Điều dễ nhận thấy nhất đó là hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giáo viên trực tiếp đứng lớp và phụ huynh của các bé. Các hoạt động này được triển khai phong phú, dưới nhiều hình thức như dán nội dung phòng bệnh tại cửa các lớp học, phát tờ rơi, tuyên truyền qua loa vào giờ phụ huynh khi đến đón trẻ, cho trẻ rửa tay, rửa mặt trước khi ăn, sau khi vệ sinh, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng, thường xuyên quét dọn trường lớp, khử khuẩn đồ chơi của trẻ bằng dung dịch Cloramin B…Vì thế, từ đầu năm học đến nay, toàn trường chưa có trẻ nào bị mắc bệnh tay, chân, miệng.
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là các trường học trên địa bàn huyện sẽ nghỉ hè. Trong khi đó thời tiết nắng nóng, nhiều diễn biến bất thường khiến cho bệnh tay, chân, miệng ít có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng thêm nhiều dịch bệnh mùa hè khác cùng tấn công vào các nhóm trẻ nhỏ. Nói về công tác phòng bệnh tay, chân, miệng và các dịch bệnh mùa hè cho học sinh, bà Vũ Thị Bích Thủy, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hữu Lũng cho biết, mặc dù chưa ghi nhận trường hợp trẻ mắc bệnh tay, chân, miệng trong năm học này, nhưng với thời tiết như hiện nay, nguy cơ mắc bệnh vẫn rất cao. Chính vì vậy, Phòng GD&ĐT huyện vẫn đang tích cực triển khai các biện pháp phòng và sẵn sàng chống bệnh dịch tay, chân, miệng. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng bệnh cho phụ huynh, quán triệt thực hiện nghiêm túc quy trình chăm sóc trẻ với giáo viên trực tiếp giảng dạy; thường xuyên giữ vệ sinh cho trẻ ở lớp cũng như ở nhà. Khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt cao, nổi bóng nước bàn tay, bàn chân nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
Bài, ảnh: Thanh Hòa
Ý kiến ()