Phơi nông sản trên đường - mất an toàn giao thông
(LSO) – Mỗi khi vào mùa thu hoạch nông sản như: lúa, ngô, khoai, sắn… người dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các hộ dân sống ven các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ lại mang chúng ra cạnh đường để phơi. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông (ATGT).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 23 tuyến đường tỉnh và 6 tuyến quốc lộ nối với các tỉnh bạn. Vào vụ thu hoạch nông sản, tình trạng người dân sử dụng lề đường làm sân phơi diễn ra khá phổ biến, không chỉ ở các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ mà trên các tuyến đường liên xã, liên thôn, người dân gần như chiếm dụng toàn bộ mặt đường để phơi lúa, ngô, chỉ chừa lại một khoảng hẹp cho xe máy, xe đạp đi qua.
Xe máy phải đi ra giữa lòng đường vì người dân phơi nông sản trên quốc lộ 279 đoạn qua xã Yên Phúc, huyện Văn Quan
Theo ghi nhận của phóng viên, trên quốc lộ 1B đoạn qua khu vực xã Văn An, hay tại ngã ba đoạn nối quốc lộ 1B với quốc lộ 279 từ thị trấn Văn Quan đi huyện Chi Lăng qua các xã Xuân Mai, Yên Phúc… , thời gian gần đây, một số hộ dân đã lấn chiếm lòng, lề đường để phơi lúa. Thậm chí, có nơi người dân còn đặt các vật cản như: gạch, đá, lốp xe, khúc cây… để ngăn các phương tiện chèn qua nông sản, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Bà Hoàng Thị Thẹn, người dân Thôn Trung, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan cho biết: “Do gia đình không có chỗ phơi lúa nên chúng tôi đành mang ra đường phơi. Cũng biết là phơi ra đường có thể gây mất ATGT song nếu không phơi mà cứ để ở nhà thì lúa sẽ bị hỏng hết”.
Không chỉ vậy, còn xảy ra tình trạng đốt rơm rạ, các sản phẩm phụ của nông nghiệp sau thu hoạch dọc hành lang một số tuyến đường, tạo khói dày đặc làm hạn chế tầm nhìn của người đi đường. Ngoài ra, một số người dân còn ngang nhiên đặt máy tuốt lúa chiếm dụng một nửa lòng đường để tuốt lúa, xả rơm rạ trực tiếp trên đường…
Anh Hoàng Xuân Thạo, lái xe tuyến Lạng Sơn – Thái Nguyên bức xúc: Tôi làm nghề lái xe tải nên thường xuyên phải lưu thông trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Cứ đến thời điểm thu hoạch, người dân phơi thóc, ngô tràn lan lòng đường khiến cánh lái xe chúng tôi rất khó điều khiển phương tiện, nhiều đoạn đường cong, tầm nhìn hạn chế, mật độ phương tiện đông, nếu chạy xe nhanh sẽ lao thẳng vào lúa đang phơi rất dễ gây tai nạn. Người dân còn đốt rơm, rạ vào cuối các buổi chiều khiến khói, bụi dày đặc rất khó chịu, vừa hạn chế tầm nhìn dễ gây ra tai nạn giao thông. Tình trạng này diễn ra gần như thường xuyên mỗi khi vào vụ thu hoạch.
Nói về vấn đề này, bà Hà Thị Việt, Bí thư Chi bộ thôn Chợ Bãi 2, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan cho biết: Trong năm 2017, trên địa bàn thôn đã xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc bà con phơi nông sản trên tuyến quốc lộ. Trước mỗi mùa vụ, chúng tôi thường xuyên thông báo, tuyên truyền, nghiêm cấm hành vi phơi lúa, để các vật cản, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Tuy nhiên tình trạng này không được giải quyết triệt để, bởi vì người dân cho rằng chỉ có mấy ngày mùa, họ tranh thủ mang lúa ra phơi nên rất khó cho việc quản lý, xử phạt.
Ông Lâm Việt Hùng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Trước thực trạng người dân một số địa phương phơi thóc, ngô, các loại nông sản trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã có công văn đề nghị ban ATGT các huyện, thành, thị phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, đơn vị quản lý đường bộ để ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi phơi nông sản trên đường gây cản trở và mất ATGT cho người và phương tiện giao thông. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân, tổ chức cho người dân sinh sống dọc đường ký cam kết không phơi thóc, ngô, hồi và đốt rơm trên đường giao thông để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng người dân phơi nông sản ra đường, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần quan tâm quy hoạch, áp dụng khoa học công nghệ vào việc phơi hoặc sấy nông sản và các sản phẩm phụ của nông nghiệp sau thu hoạch phục vụ nhu cầu của nhân dân, xây dựng địa điểm sân phơi tập trung phù hợp với từng điều kiện thôn, xóm.
HOÀNG CƯỜNG
Ý kiến ()