Phối hợp đồng bộ trong công tác điều hành giá
Từ ngày 1-6, hơn 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh chính thức được điều chỉnh tăng giá, trung bình khoảng 30% so với trước đó đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.
Theo thống kê, hiện có khoảng 20 triệu người chưa tham gia BHYT, phần lớn là nông dân và lao động tự do, là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của mức tăng giá dịch vụ lần này.
Việc giá dịch vụ y tế tăng mạnh, người không có thẻ BHYT sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất; trong khi, khám chữa bệnh là dịch vụ thiết yếu liên quan trực tiếp đến chăm sóc sức khỏe con người. Ở góc độ vĩ mô, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT phải đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Đây là việc không thể không làm, tạo áp lực không nhỏ cho các đơn vị thực hiện.
Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu công tác điều hành giá năm 2017 nói chung và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nói riêng cần được tiến hành hết sức chặt chẽ và phối hợp bài bản. Đối với giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, Chính phủ giao Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc điều chỉnh mức giá ngay trong năm 2017. Đồng thời, Bộ Y tế cần theo dõi, chỉ đạo quyết liệt, sát sao việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ.
Bộ Y tế cũng chủ trì, phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Tài chính thực hiện tính toán, báo cáo Chính phủ lộ trình điều chỉnh phù hợp và các giải pháp để bảo đảm khả năng chi trả của quỹ BHYT khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá. Với giá thuốc chữa bệnh, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện việc đấu thầu tập trung, đẩy nhanh việc đàm phán giá thuốc đối với các loại thuốc biệt dược, các loại thuốc đã hết hạn hợp đồng; Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung theo Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7-7-2016, với mục tiêu kéo giá thuốc giảm từ 10 đến 15%.
Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15-11-2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT theo hướng rà soát để xác định phạm vi hưởng BHYT phù hợp mức đóng cũng như khả năng cân đối quỹ BHYT…
Hy vọng với sự điều hành vừa quyết liệt vừa linh hoạt này, quyền được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT của người bệnh sẽ tiếp tục được bảo đảm; đồng thời, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế không ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Nhandan
Ý kiến ()