Phối hợp đồng bộ các lực lượng công an triệt phá các tổ chức, đường dây buôn lậu, đầu cơ, thao túng thị trường
Theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Công an: Ngày 24-2-2011, Chính phủ có Nghị quyết 11/NQ-CP, hai ngày sau (26-2-2011), Bộ Công an có Điện số 89/BCA-C41 về một số giải pháp trọng tâm, cấp bách chỉ đaọ lực lượng nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an và công an các địa phương phải có kế hoạch đấu tranh cụ thể và đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm kinh tế. Điều này khẳng định, ngành Công an đã thể hiện sự quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật về đầu cơ thao túng thị trường, tham mưu kịp thời cho Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp các chính sách quản lý kinh tế, tài chính, tiền tệ và điều tiết kinh tế vĩ mô hiệu quả.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Cảnh sát phòng, chống tội phạm cho biết: Nhằm mục đích tăng cường sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các lực lượng cảnh sát, an ninh, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng công an và tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, triệt phá một số vụ điển hình. Bộ Công an yêu cầu lãnh đạo các Tổng cục, Vụ, Cục trực thuộc Bộ Công an và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng công an tập trung thực hiện tốt một số nội dung công tác trọng tâm và cấp bách. Thứ nhất: Tập trung chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, nhất là An ninh kinh tế, An ninh tiền tệ, Cảnh sát kinh tế… theo dõi và dự báo sát tình hình biến động của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường vàng trong và ngoài nước để tham mưu kịp thời Chính phủ các giải pháp chỉ đạo điều hành phù hợp. Triển khai các biện pháp trinh sát phát hiện ngăn chặn kịp thời các tổ chức, đường dây đầu cơ thao túng thị trường, buôn bán vàng, ngoại tệ trái phép, đặc biệt là hoạt động buôn lậu vàng, ngoại tệ qua biên giới… lập án đấu tranh, bắt giữ, điều tra, truy tố, xét xử nhanh một số vụ án điểm, nhằm răn đe kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Thứ hai, lực lượng công an sẽ phối hợp các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; kiểm tra giám sát việc tuân thủ các quy định về thu đổi ngoại tệ; rà soát lên danh sách tất cả các đại lý thu đổi ngoại tệ, phát hiện xử lý nghiêm các đại lý không có giấy phép hoặc vi phạm nội dung quy định của giấy phép; kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo, niêm yết giá bằng ngoại tệ, thanh toán việc mua bán hàng hóa trong nước bằng ngoại tệ… của các tổ chức, cá nhân trái với quy định. Phối hợp các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý thu thuế và thực hiện chính sách thực hành tiết kiệm. Phối hợp các ngành có liên quan trong thực hiện các giải pháp ổn định thị trường, giảm nhập siêu, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết yếu của nền kinh tế. Thứ ba, tập trung nắm tình hình việc cấp vốn, các hoạt động đầu tư kém hiệu quả gây lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước để phát hiện vi phạm, tội phạm. Phối hợp các ngành liên quan tăng cường, kiểm tra giám sát trong quản lý thu thuế, chống thất thu thuế và thực hiện chính sách thực hành tiết kiệm. Thứ tư, chủ động nắm tình hình, phối hợp các ngành tài chính ngân hàng và các ngành khác có liên quan trong việc tiếp tục đề ra các chính sách quản lý kinh tế, tài chính, tiền tệ và điều tiết kinh tế vĩ mô có hiệu quả, ổn định thị trường nhằm giảm nhập siêu, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết yếu của nền kinh tế.
Theo đó, các lực lượng công an sẽ tập trung công tác đấu tranh vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các hoạt động đầu tư trọng điểm, các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, địa bàn biên giới, cửa khẩu cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Tập trung xử lý các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường vàng, ngoại tệ và các mặt hàng chiến lược, gây rối nền kinh tế; các đối tượng, đường dây buôn lậu vàng, ngoại tệ, xăng dầu qua biên giới; các hoạt động 'tín dụng đen' trái phép; các đại lý thu đổi ngoại tệ không có giấy phép hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép; các hành vi mua bán hàng hóa trong nước bằng ngoại tệ trái với quy định của Chính phủ; tội phạm tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm; hành vi trốn thuế, gian lận thuế và vi phạm pháp luật trong hoạt động cấp vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng; các hoạt động cấp vốn đầu tư công kém hiệu quả, sai mục đích, hành vi lợi dụng các chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách an sinh xã hội; các đường dây đánh bạc, cá độ bóng đá trong nước, xuyên quốc gia.
Trong thực hiện Điện số 89/BCA cho thấy cảnh sát kinh tế là lực lượng chủ công trong phòng, chống tội phạm buôn lậu, đầu cơ, thao túng thị trường. Song, bên cạnh đó là sự phối hợp đồng bộ của nhiều đơn vị nghiệp vụ đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là các hành vi sử dụng công nghệ cao trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, đột nhập lấy tiền từ các tài khoản ngân hàng; lừa đảo trực tuyến, phát tán vi-rút phá hoại hệ thống máy tính ngân hàng, doanh nghiệp…; với các loại tội phạm cướp giật, trộm cắp tại các chi nhánh ngân hàng, các cơ sở kinh doanh, chế tác vàng bạc, đá quý các điểm thu đổi ngoại tệ lớn, các máy ATM… hay các băng nhóm tội phạm hình sự chuyên đâm thuê chém mướn. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan INTERPOL, ASEANAPOL để phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ đắc lực của công an các tỉnh, thành phố lớn, nhằm tiến công mạnh mẽ vào sào huyệt của các loại tội phạm kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Ý kiến ()