Phối hợp đa ngành trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm
Thông qua các chương trình, dự án ngành y tế triển khai công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) thu được một số kết quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ngành y tế chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các bộ, ngành, nhất là người dân.
Thông qua các chương trình, dự án ngành y tế triển khai công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) thu được một số kết quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ngành y tế chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các bộ, ngành, nhất là người dân. Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BKLN trong thời gian tới, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực, kiện toàn hệ thống, thì việc huy động sự tham gia của các bộ, ngành và cộng đồng đối với công tác này cần được chú trọng hơn nữa.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, tại Việt Nam mỗi năm có hơn 430 nghìn trường hợp tử vong do BKLN, chiếm 75% trong tổng số người chết, trong đó các bệnh tim mạch chiếm 40%, ung thư chiếm 14%, bệnh phổi mạn tính chiếm 8% và đái tháo đường chiếm 3%… Thống kê từ các bệnh viện, tỷ lệ mắc bệnh và chết do BKLN đang tăng nhanh, nếu như năm 1976 tỷ lệ mắc là 43% và tỷ lệ tử vong là 45%, thì trong những năm gần đây các tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 63% và 60%. BKLN đang gây ra những hậu quả nặng nề đối với sức khỏe và những tổn thất lớn về kinh tế, xã hội do chi phí trực tiếp khám, chữa bệnh, cũng như chi phí gián tiếp do mất sức lao động.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, mặc dù rất nguy hiểm nhưng có thể phòng, chống BKLN hiệu quả thông qua việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: Các yếu tố kinh tế – xã hội, do quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa, già hóa, nghèo đói, thiếu kiến thức, phong tục tập quán lạc hậu; các hành vi nguy cơ như hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động và lạm dụng rượu bia. Các yếu tố nguy cơ về sinh, chuyển hóa do thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu và rối loạn li-pít máu. Từ các bằng chứng khoa học cho thấy, nếu chúng ta loại trừ được các yếu tố nguy cơ, có thể phòng được ít nhất 80% số bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và hơn 40% số ca bệnh ung thư…
Nhận thức được vấn đề này, trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai Chương trình phòng, chống BKLN, qua đó đã từng bước giảm bớt tàn tật và tử vong so với một số bệnh phổ biến như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh tâm thần. Thông qua các dự án phòng, chống BKLN đã được đưa vào các Chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như được sự quan tâm, đầu tư của Ðảng, Nhà nước, phòng chống BKLN đang trở thành một lĩnh vực ưu tiên của ngành y tế hiện nay. Do nằm trong hệ thống y tế, mạng lưới y tế dự phòng có một vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát hiện sớm, khống chế kịp thời các dịch, bệnh góp phần giảm tỷ lệ mắc và tử vong thời gian qua. Bên cạnh đó, hệ thống y tế dự phòng có nhiều kinh nghiệm trong việc huy động liên ngành, cũng như huy động người dân tham gia công tác phòng, chống các dịch, bệnh truyền nhiễm. Ðây được coi là một trong những thuận lợi lớn đối với công tác phòng, chống BKLN ở nước ta.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình phòng, chống BKLN, chúng ta còn gặp một số khó khăn, thách thức, như: Chưa có sự tham gia tích cực, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội vào việc giải quyết các nguyên nhân về kinh tế – xã hội, cũng như những nguyên nhân thuộc về hành vi lối sống của người dân. Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống BKLN chủ yếu vẫn do ngành y tế thực hiện là chính như các cấu phần phòng, chống năm BKLN là tăng huyết áp; đái tháo đường; ung thư; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; rối loạn tâm thần. Trong khi đó, chưa có các cấu phần về phòng, chống các yếu tố nguy cơ chung liên quan đến các yếu tố xã hội tác động đến các hành vi như: lạm dụng rượu, bia; hút thuốc lá; dinh dưỡng bất hợp lý… Thực tế cũng cho thấy, hệ thống y tế dự phòng chưa tham gia một cách chủ động, điều chỉnh thích ứng kịp thời với công tác phòng, chống BKLN, nhất là mạng lưới y tế xã, phường. Bởi hiện nay, hầu hết đội ngũ cán bộ y tế xã, nhân viên y tế thôn, bản, ấp chưa được đào tạo, tập huấn, cung cấp thiết bị thiết yếu và tài liệu hướng dẫn truyền thông phòng, chống yếu tố nguy cơ BKLN và việc quản lý, chăm sóc, tư vấn cho đối tượng nguy cơ cao tại cộng đồng.
Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống BKLN thời gian tới, ngành y tế cần tiếp tục tăng cường năng lực chỉ đạo và điều hành đối với chương trình phòng, chống BKLN, theo hướng tiếp cận đa ngành, toàn diện, nhất là việc phối hợp các bộ, ngành; cũng như huy động được sự tham gia tích cực, chủ động của người dân nhằm thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe. Thành lập một số phòng, đơn vị chính thức có đủ cán bộ, trình độ năng lực chuyên môn để thực hiện chức năng nhiệm vụ điều phối tất cả các chương trình quản lý và dự phòng liên quan đến BKLN. Tăng cường hệ thống y tế dự phòng, đây là đầu mối phối hợp liên ngành nhằm hỗ trợ thực hiện tất cả các hoạt động dự phòng, quản lý người bệnh tại cộng đồng. Xây dựng hệ thống giám sát quốc gia về BKLN, trong đó nên chú trọng đến việc lồng ghép giám sát BKLN vào hệ thống giám sát bệnh, tật theo hệ y tế dự phòng hiện nay.
Ðồng thời, tăng cường can thiệp thay đổi hành vi nguy cơ như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn không hợp lý, ít vận động. Nhóm giải pháp này cần được truyền thông mạnh mẽ nhằm thay đổi hành vi, cải thiện môi trường sống… Ðối với nhóm người có tình trạng tiền bệnh, mắc bệnh nhẹ hay người mắc BKLN thể nặng, cấp tính hoặc có biến chứng phải được can thiệp một cách đồng bộ trong việc phát hiện sớm, quản lý, tư vấn, điều trị tại các tuyến tùy theo mức độ khác nhau để đạt được hiệu quả cao nhất…
Theo Nhandan
Ý kiến ()