Phối hợp chặt chẽ trong quản lý lao động nước ngoài
Các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài và Việt Nam phối hợp làm việc trên công trường xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ, TB-XH), số lao động nước ngoài (LĐNN) vào Việt Nam làm việc đang gia tăng trong những năm gần đây, hiện có hơn 74 nghìn người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Phần lớn người nước ngoài làm việc theo các hợp đồng lao động. Nhưng thực tế tại nhiều địa phương, vẫn còn hàng nghìn LĐNN chưa được cấp giấy phép lao động, có hàng nghìn LĐNN đang làm công việc của lao động phổ thông...Còn nhiều Lao động nước ngoài chưa được cấp phépTheo báo cáo của Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Quảng Ninh, tính đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh có hơn 2.700 LĐNN làm việc tại 72 doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó mới có 895 lao động được cấp giấy phép lao động theo quy định. Thượng tá Nguyễn Xuân Lãm, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hầu...
|
Còn nhiều Lao động nước ngoài chưa được cấp phép
Theo báo cáo của Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Quảng Ninh, tính đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh có hơn 2.700 LĐNN làm việc tại 72 doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó mới có 895 lao động được cấp giấy phép lao động theo quy định. Thượng tá Nguyễn Xuân Lãm, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều có ý thức chấp hành đầy đủ các quy định về pháp luật trong việc sử dụng lao động là người nước ngoài, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nơi cư trú và làm việc. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số lượng lớn LĐNN chưa được cấp phép. Tập trung chủ yếu ở các dự án nhà máy nhiệt điện đang được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, như: dự án nhiệt điện Mạo Khê đến nay mới có 106/979 lao động được cấp giấy phép; dự án nhiệt điện Uông Bí có 35/220 lao động được cấp giấy phép…
Ở tỉnh Cà Mau, trong đợt kiểm tra của các ngành chức năng đầu tháng 8 vừa qua, kết quả cho thấy, trong tổng số 1.700 LĐNN đang làm việc tại công trường Nhà máy đạm Cà Mau thuộc Dự án khí – điện – đạm Cà Mau có đến 1.000 người không phép. Qua rà soát, đối chiếu, phân loại, có khoảng 600 lao động phải lập thủ tục xin cấp phép, số còn lại có thời gian làm việc dưới ba tháng theo yêu cầu của từng công việc cụ thể và gần 100 lao động phổ thông…
Còn tại Đác Nông, tính đến cuối tháng 8, trên địa bàn tỉnh có tám doanh nghiệp, Ban quản lý dự án có sử dụng LĐNN với tổng số 343 người. Số LĐNN tập trung hầu hết tại dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (313 người). Nhưng trong đợt kiểm tra do ngành LĐ, TB-XH, Công an tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tiến hành thì chỉ có 144/343 người đã được cấp giấy phép lao động, 23 người không thuộc đối tượng cấp phép, 176 người đang làm thủ tục xin cấp phép. Số lao động được cấp phép mới chiếm 45% trên tổng số; một số doanh nghiệp tuy có làm hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người LĐNN, nhưng thủ tục không đầy đủ, chủ yếu là thiếu lý lịch tư pháp.
Kết quả kiểm tra tại Quảng Bình cũng cho thấy, có đến hai phần ba số LĐNN chưa được cấp phép. Tính đến ngày 30-8, tỉnh Quảng Bình có 369 lao động là người nước ngoài đang làm việc tại 21 tổ chức, đơn vị, trong đó có 23 lao động làm việc dưới ba tháng và 345 lao động làm việc trên ba tháng. Nhưng đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình mới cấp phép cho 92 lao động, trong đó chủ yếu đang làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy xi-măng Văn Hóa (60 người)…
Người LĐNN chưa được cấp phép lao động là một trong những bất cập lớn nhất trong quản lý LĐNN tại Việt Nam hiện nay. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương, như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Lâm Đồng…
Đâu là nguyên nhân?
Trao đổi ý kiến về vấn đề này, Trưởng phòng Lao động tiền lương – Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ,TB-XH Quảng Ninh) Đỗ Thị Xanh cho biết: Một trong những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý người LĐNN là, về phía các nhà thầu, các chủ đầu tư thường rất chậm trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý về hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động của người nước ngoài để làm thủ tục đăng ký cấp giấy phép lao động cho họ tại địa phương. Mặc dù về phía cơ quan quản lý chủ động phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn các nhà thầu, chủ đầu tư làm thủ tục cấp phép cho LĐNN. Nghị định 34/2008/NĐ-CP quy định rõ: Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài vào Việt Nam làm việc; Người nước ngoài phải nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam do người sử dụng lao động cung cấp, đồng thời phải chuẩn bị các giấy tờ cần thiết và thực hiện theo đúng quy định của nghị định này. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay có rất ít các nhà thầu chú trọng thực hiện công đoạn này trước khi đưa lao động sang làm việc.
Trưởng phòng Chính sách lao động Sở LĐ,TB-XH Quảng Bình Cao Xuân Dục cho rằng, để được cấp phép lao động, cần có nhiều thủ tục, như: hộ chiếu xuất khẩu, bằng cấp chuyên môn, hợp đồng lao động, giấy chứng nhận sức khỏe và lý lịch tư pháp; riêng lý lịch tư pháp phải qua một số thủ tục chứng thực và mất nhiều thời gian, vì vậy đã ảnh hưởng tiến độ cấp giấy phép lao động. Trong khi đó, LĐNN làm việc tại một số đơn vị thường xuyên thay đổi theo công việc, nhất là số lao động do nhà thầu nước ngoài đưa vào địa bàn, vì vậy đối tác Việt Nam không theo dõi kịp thời và gặp khó khăn trong việc điều chỉnh thủ tục hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
Mới đây, đoàn kiểm tra của Sở LĐ, TB-XH Thanh Hóa kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng LĐNN tại bảy doanh nghiệp phát hiện: ngoài số lao động chưa được cấp phép, các doanh nghiệp khi tuyển dụng người nước ngoài vào làm việc đều không thực hiện thông báo nhu cầu tuyển lao động công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào làm việc trước, sau đó mới làm thủ tục xin cấp phép lao động. Doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định, yêu cầu của cơ quan thẩm quyền, thậm chí không báo cáo về tình hình sử dụng lao động. Một số doanh nghiệp không thực hiện đúng lộ trình giảm dần số LĐNN đang làm việc tại các cơ sở sản xuất để bố trí, sử dụng lao động Việt Nam thay thế theo cam kết chuyển giao công nghệ, kỹ thuật…
Có thể thấy, những vụ việc liên quan số LĐNN không giấy phép lao động chủ yếu là do ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, nhà thầu chưa cao. Họ thường vi phạm trong công tác tuyển lao động, không đúng quy trình, không làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho LĐNN thuộc diện phải cấp phép. Một trong những “chiêu” lách luật thường được chủ đầu tư, nhà thầu nước ngoài sử dụng là khai báo lao động dưới ba tháng, quay vòng số lao động luôn ở mức dưới ba tháng để trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ và thủ tục liên quan. Quy định người nước ngoài làm việc dưới ba tháng không cần xin cấp giấy phép lao động làm gia tăng lượng lao động phổ thông người nước ngoài không được cấp phép trong thời gian qua. Các nhà thầu, chủ đầu tư đã lợi dụng kẽ hở này để nhập cảnh lao động phổ thông theo hình thức du lịch, tuyển vào làm thời vụ, giao kết hợp đồng lao động và làm việc khi chưa có giấy phép…
Tăng cường các biện pháp quản lý
Nghị định số 46 của Chính phủ vừa ban hành đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới theo hướng quản lý chặt chẽ, hợp lý hơn việc sử dụng người LĐNN. Theo đó, để đưa được LĐNN vào làm việc tại Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp phải tuân theo những điều kiện nghiêm ngặt, thủ tục chặt chẽ hơn. Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng như: Bộ LĐ, TB-XH, Bộ Công an, Bộ Công thương, xác định rõ trách nhiệm của nhà thầu, chủ đầu tư, UBND tỉnh, thành phố nơi thực hiện gói thầu… Đồng thời, cũng đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi về mặt hành chính cho các doanh nghiệp, người lao động nước ngoài; giảm bớt các thủ tục hành chính và quản lý chặt chẽ lao động không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam, nhất là lao động phổ thông.
Phó Cục trưởng Việc làm (Bộ LĐ, TB-XH) Lê Quang Trung cho rằng, quy định đã có, vấn đề còn lại là ở khâu thực thi pháp luật. Để tăng cường công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung vào công tác tuyên truyền phổ biến các quy định liên quan LĐNN làm việc tại Việt Nam; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp chặt chẽ để quản lý LĐNN.
Với tình trạng LĐNN không phép tại Việt Nam, cần tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về vấn đề này, nhất là đối với các doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng LĐNN; làm tốt công tác đăng ký sử dụng LĐNN… Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng quy chế phối hợp, hướng dẫn, phát hiện, giải quyết đối với các trường hợp LĐNN không phép hoặc chưa được cấp giấy phép… Theo quy định của Bộ luật Lao động, LĐNN làm việc dưới ba tháng không cần phải cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, Nghị định 34, khoản 6, Điều 9 quy định rõ: đối với đối tượng làm việc dưới ba tháng thì phải thông báo với Sở LĐ, TB – XH địa phương trước bảy ngày tính từ ngày làm việc. Cùng đó, phải nộp kèm theo đầy đủ các giấy tờ: giấy chứng nhận, trình độ chuyên môn, như là cấp giấy phép lao động. Bộ đã kiên quyết nhắc nhở các địa phương bằng nhiều văn bản, đối với những lao động làm việc dưới ba tháng dứt khoát phải thực hiện theo Nghị định 34; đồng thời, yêu cầu các địa phương kiểm tra kỹ các đối tượng này.
Theo ông Trung, cũng cần xem xét lại mức phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm, mức phạt 15-20 triệu đồng cho một hành vi vi phạm như hiện nay là quá thấp, chưa đủ sức răn đe. Đồng thời, cần có các biện pháp khác, như công khai danh tính doanh nghiệp và mức độ vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể đưa vào tiêu chí đánh giá các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu, không chấp nhận nhà thầu dự thầu nếu vi phạm quy định về pháp luật hoặc chấm điểm hồ sơ dự thầu thấp…
Bộ LĐ, TB-XH cũng sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định về công tác quản lý LĐNN và tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tại các địa phương có nhiều lao động nước ngoài, để nắm chắc tình hình và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động và LĐNN thực hiện tốt theo quy định pháp luật Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()