Phó Thủ tướng yêu cầu lập “số đo” cho phát triển bền vững
Sáng 12/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đã có cuộc họp với các thành viên Hội đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cần lựa chọn một số vấn đề cụ thể để nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên của Hội đồng tập trung thảo luận, cho ý kiến về cơ chế phối hợp, làm việc của các ủy ban trong Hội đồng; lựa chọn một số vấn đề xã hội, Chính phủ quan tâm để tham mưu, khuyến nghị cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhiệm vụ cụ thể, mục tiêu thiết thực
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng để các hoạt động của Hội đồng thiết thực từng tháng, từng quý, từng năm, cần xây dựng chương trình công tác, cơ chế phối hợp, làm việc, mục đích, kết quả cụ thể trên cơ sở tiếp cận liên ngành, liên lĩnh vực. Đồng thời, chọn một vài lĩnh vực trọng tâm, giao cụ thể nhiệm vụ, chỉ tiêu cho từng ngành, đo đếm được.
Còn ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa nhận xét nhiệm vụ phân công cho thành viên Hội đồng nhiều nhưng chưa lưu ý đến thế mạnh của từng thành viên. Đơn cử, Hiệp hội DN vừa và nhỏ có thế mạnh về phản ánh các ý kiến từ DN tư nhân nhưng lại chưa được giao nhiệm vụ này.
Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết tại nhiều hội nghị quốc tế mà ông được tham dự đều nhấn mạnh vai trò, sáng kiến khu vực DN tư nhân đối với các mục tiêu phát triển bền vững. Cộng đồng quốc tế luôn cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng môi trường phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
“VCCI đã thành lập Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững; xây dựng, phổ biến tới cộng đồng DN bộ chỉ số phát triển bền vững, các mô hình phát triển bền vững”, ông Lộc cho biết.
Đề cập đến góc độ phát triển con người, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải cho rằng trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế, yêu cầu bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá, xây dựng môi trường sống văn hoá, lành mạnh là rất cấp thiết.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn nêu quan điểm phát triển bền vững chỉ đạt được nếu tăng trưởng nhanh nhưng vẫn phải bảo đảm môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo đảm chính trị, an ninh, quốc phòng. Bên cạnh ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ mới cần tận dụng hết “dư địa” từ tái cơ cấu lại lao động, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp hướng vào công nghiệp, dịch vụ để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Viện sẵn sàng nhận nhiệm vụ đánh giá, nghiên cứu các chỉ tiêu về phát triển bền vững, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động”, ông Thuấn bày tỏ và đồng tình với quan điểm nên chọn một số việc để tập trung là đến cùng, “làm ít nhưng thiết thực, hiệu quả”.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Lập “số đo” cho phát triển bền vững
Nhấn mạnh sự liên quan mật thiết giữa phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó Thủ tướng cho rằng từ nay đến cuối năm, Hội đồng cần kiến nghị với Chính phủ thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nghiêm túc hơn.
“Những cải thiện về năng lực cạnh tranh dù đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng. Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện đứng thứ 55 có sự đóng góp quan trọng của quy mô thị trường Việt Nam, dân số đứng thứ 13 thế giới, còn các chỉ số khác liên quan đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn đứng ở 70,80 trên thế giới”, Phó Thủ tướng phân tích.
Hiện nay có tình trạng “bộ có nhiều chỉ số liên quan đến doanh nghiệp, được báo chí đề cập đến nhiều thì vào cuộc tích cực hơn, còn những bộ ít được nhắc tên lại cảm thấy đây không phải là việc của mình. Vì vậy, trước hết các thành viên trong Hội đồng phải làm thật tốt Nghị quyết 19”.
Về phát triển bền vững, Phó Thủ tướng đồng tình với ý kiến các thành viên cho rằng mặc dù Việt Nam đã có nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa các tiêu chí phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc song cần xây dựng một bộ tiêu chí rõ ràng, đo đếm được.
Cách xây dựng bộ tiêu chí này, theo Phó Thủ tướng, bắt đầu từ việc các bộ ngành trong lĩnh vực quản lý của mình xác định các chỉ tiêu đo đếm cụ thể để tập hợp lại. Phó Thủ tướng “đặt hàng” Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu một bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững theo xu thế quốc tế ở tất cả các lĩnh vực, đánh giá theo nguyên tắc tiếp cận rủi ro.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý ngoài những nhiệm vụ đang triển khai thường xuyên về phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Hội đồng lựa chọn một số việc để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Cụ thể, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT phối hợp bàn bạc, trao đổi để đưa ra Hội đồng họp chuyên đề về phát triển năng lượng sạch. Tương tự, đối với biến đổi khí hậu cần lựa chọn những chủ đề như ứng phó tình trạng nước biển dâng, sạt lở đồng bằng sông Cửu Long…
“Ngoài môi trường chung, môi trường sinh hoạt hàng ngày là vấn đề liên quan trực tiếp đến thái độ, hành vi ứng xử của con người, từ thói quen đổ rác thải, dùng túi nilon, giữ gìn vệ sinh… Thế giới đánh giá trình độ phát triển của những nước đang phát triển ở mức độ khác nhau thông qua rất nhiều tiêu chí, chỉ tiêu, trong đó có việc thông qua một số quan sát xã hội như tôn trọng pháp luật qua thái độ ứng xử hàng ngày, văn hoá giao thông, xếp hàng; minh bạch, trung thực qua mua bán ở chợ; vệ sinh môi trường qua … Chúng ta làm mạnh những vấn đề này sẽ có tác động kép đến xã hội và con người”, Phó Thủ tướng nói.
Đề cập đến vấn đề giáo dục trong phát triển bền vững, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh dạy học sinh kiến thức thì phải chú trọng đến dạy làm người, tham gia lao động, ứng xử lễ phép”. Đây là vấn đề phải đặt ra bàn với tầm nhìn chiến lược lâu dài để Hội đồng tư vấn chính sách cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài những nhiệm vụ chung như xây dựng Chính phủ điện tử, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan hành chính các cấp, thì chọn một số lĩnh vực có nhiều cơ hội như dệt may, logistic… Bên cạnh đó, Hội đồng nên nghiên cứu để có đánh giá, tham vấn nhân tổng kết nửa nhiệm kỳ hoạt động của Chính phủ dưới giác độ phát triển bền vững vào cuối năm nay.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể về tổ chức, hoạt động của các uỷ ban trực thuộc Hội đồng, trong đó nhấn mạnh vai trò tập hợp nhóm chuyên gia nòng cốt có trình độ chuyên môn, uy tín. Từng uỷ ban có thể tổ chức mời chuyên gia phục vụ cho hoạt động của riêng mình.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()