Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam bộ đã phát triển đồng bộ
Chiều 10/12, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm (2010-2015) công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải vùng Tây Nam bộ. Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN.
Tham dự hội nghị có: lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị trực thuộc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành Tây Nam bộ, các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động trên địa bàn khu vực Tây Nam bộ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Vùng Tây Nam bộ mặc dù có xuất phát điểm về hạ tầng giao thông rất thấp nhưng qua 5 năm dồn sức đầu tư, cơ sở hạ tầng đã phát triển đồng bộ ở các loại hình vận tải và các hạ tầng quan trọng của tất cả các lĩnh vực: vận tải đường bộ, đường thủy và đường hàng không và các bến bãi… Hầu hết các tuyến giao thông đường thủy, đường bộ, đường hàng không trọng điểm đã và đang được triển khai thực hiện. Nhiều tuyến đã hoàn thành đưa vào khai thác cho hiệu quả kinh tế cao, tạo điều kiện kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa các tỉnh với Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực khác của cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giải quyết đời sống tốt hơn cho người dân, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao công tác huy động vốn đã được Bộ Giao thông Vận tải vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong thời gian qua, được các địa phương đồng tình ủng hộ. Đây là bước đầu của công tác xã hội hóa trong việc đầu tư huy động nguồn lực. Điều này cũng thể hiện sự đổi mới tư duy trong việc huy động các nguồn lực xã hội, đa dạng hoá các phương thức đầu tư. Chỉ tính trong 5 năm, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho vùng tăng gần 2,7 lần so với 5 năm trước và cao hơn bình quân chung cả nước rất nhiều. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư vẫn còn lớn mà nguồn vốn chưa đáp ứng như mong muốn, kể cả tại các trục giao thông chính. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội, giao lưu hàng hóa trong vùng. Một số lĩnh vực như phát triển đường sông còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch ở tầm cao hơn, xa hơn; đầu tư hạ tầng phải từng bước hiện đại để tránh lãng phí sau này; quy hoạch đồng bộ đường thủy, đường bộ, đường hàng không, sân bay… nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản trong khu vực và cũng cần lưu ý phát triển một số tuyến đường sắt.
Việc quy hoạch, đầu tư phát triển giao thông phải tính đến tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai các dự án đang triển khai dang dở nhằm tiết kiệm vốn, tăng hiệu quả đầu tư, đặc biệt là các trục giao thông chính mang tính kết nối của vùng và các khu vực khác; quan tâm đến vấn đề phát triển đường hàng không, cầu dân sinh và đường giao thông nông thôn; tiếp tục kiểm tra, kiểm soát tình hình tải trọng xe và công tác đảm bảo an toàn giao thông…
Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong 5 năm qua, tổng kinh phí do Trung ương đầu tư cho các công trình giao thông đã hoàn thành trên địa bàn Tây Nam bộ là trên 58.779 tỷ đồng để thực hiện 34 dự án giao thông, trong đó có trên 1.000 km đường, trên 60 km cầu. Bên cạnh đó còn có 24 dự án đang triển khai với tổng mức đầu tư trên 73.000 tỷ đồng. Nhiều công trình cầu lớn đã hoàn thành đi vào sử dụng đã phá thế ngăn sông cách trở từ bao đời nay như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi… Cùng với đó là việc hoàn thành các cảng hàng không như cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc và hệ thống các cảng biển, cảng sông, đường thủy nội địa đã tạo thuận lợi cho kết nối giao thông vận tải giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và thế giới.
Không những phát triển giao thông trên các trục chính mà giao thông nông thôn trong vùng cũng được các địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhanh với trên 44.000 km đường gần 20.000 cây cầu được nâng cấp sửa chữa và làm mới với tổng kinh phí gần 24.380 tỷ đồng.
Lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, lĩnh vực hàng hải, giao thông hàng không cũng được ngành giao thông vận tải và các bộ ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển vượt bậc, mở ra điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho vùng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại ngày càng cao của người dân đồng thời tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa nông sản cho vùng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến huy động khoảng trên 85.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó lĩnh vực giao thông đường bộ dự kiến sẽ huy động trên 65.200 tỷ đồng để triển khai đầu tư 33 dự án, lĩnh vực đường thủy nội địa dự kiến sẽ huy động tổng mức đầu tư trên 2.314 tỷ đồng để thực hiện 5 dự án; tiếp tục đầu tư, nâng cấp một số hạng mục các sân bay Cà Mau, Phú Quốc và khai thác hiệu quả một số các cảng hàng không còn lại.
Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Bộ Giao thông Vận tải đã trao 25 bằng khen cho các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển vận tải vùng Tây Nam bộ, giai đoạn 2010 – 2015.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()