Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc đàm phán nợ để chậm lại, bảo đảm chúng ta có thể xử lý cơ cấu sản xuất, thu lại tiền, từng bước đẩy mạnh sản xuất. Kết quả bước đầu là tư tưởng người lao động trong Tập đoàn yên tâm hơn. Các bạn hàng của doanh nghiệp hiện không bị hủy, những hợp đồng đắp chiếu đã được hoạt động trở lại. Thời gian vừa qua, Tập đoàn đã đóng mới được mấy con tàu và một số thiết bị phụ trợ như máy diezel 8000 mã lực… Có nghĩa là những hoạt động chính đã trở lại.
Và nhờ vào những hoạt động này mà người lao động, công nhân của Tập đoàn có việc làm. Tiến tới, trong tháng 11-2010 sẽ có Vinashin mới với ngành nghề chính và các ngành nghề phụ trợ, hệ thống đào tạo, hướng tới mục tiêu cuối cùng là tạo ra một ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam. Vinashin mới sẽ đóng vai trò chủ lực, đóng và sửa chữa những con tàu lớn.
Phó Thủ tướng cho rằng, khó khăn là tính mất cân đối của Vinashin rất nghiêm trọng. Cùng một lúc, phải giải quyết ba việc: thứ nhất là khôi phục sản xuất, hai là thanh tra, kiểm tra điều tra để xử lý, ba là nợ nần có những khoản đến hạn thì phải đàm phán. Đàm phán nợ là vấn đề không đơn giản. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phương châm là cái gì làm lợi được thì tiếp tục, cái gì thua lỗ thì có cái mình cũng phải chịu, phải cho phá sản, cơ cấu lại nợ. Mục tiêu lâu dài là không thể bỏ công nghiệp đóng tàu được vì Việt Nam là nước có thế mạnh về biển.
Phó Thủ tướng nhận định, hiện nay, sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu vận tải trên thế giới sẽ hồi phục trở lại. Kinh tế thế giới hồi phục thì chúng ta phải lấy lại các vị trí vận tải biển. Cái đích mà chúng ta hướng tới là xây dựng một ngành đóng tàu Việt Nam vững mạnh, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam là chủ lực, các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân cũng có thể tham gia vào lĩnh vực này.
Trước đó, tại báo cáo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội, đã nhìn nhận tình trạng nghiêm trọng hiện nay của Vinashin chủ yếu là do sự yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn. Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các Bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của Tập đoàn.
Ý kiến ()