Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc tại thành phố Hải Phòng
Ngày 18/4, Đoàn khảo sát số 3 của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn đã làm việc tại thành phố Hải Phòng về triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo và công tác xây dựng tổ chức bộ máy ở địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Nhiều nghị quyết của Trung ương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hạn chế khuyết điểm chung hiện nay là chủ trương, giải pháp đề ra nhiều nhưng chưa tạo được sự đột phá, tổ chức thực hiện vẫn còn là khâu yếu, có nơi triển khai tích cực, có nơi cầm chừng. Việc sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên đã được Đại hội XII của Đảng nêu rõ. Do vậy, việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Đây là vấn đề khó vì liên quan đến cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở nên rất cần đến sự hiến kế từ kinh nghiệm thực tế của địa phương, cơ sở.
Để đảm bảo nội dung cuộc khảo sát phục vụ cho Đề án, Phó Thủ tướng đề nghị Hải Phòng tập trung báo cáo, trao đổi, thảo luận một số vấn đề sau: Về phương thức lãnh đạo của Đảng, cần đánh giá chung sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy Đảng trong việc ban hành chủ trương, nghị quyết, kết luận, lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng tổ chức của bộ máy hệ thống chính trị, tinh gọn hoạt động có hiệu lực, hiệu quả ở Trung ương và địa phương; sự chồng chéo, trùng lắp nếu có trong việc thực hiện các mối quan hệ với cấp ủy, các bộ ngành; đề xuất đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với tổ chức hoạt động của địa phương, cơ quan, đơn vị
Về tổ chức bộ máy bao gồm cả bộ máy tổ chức Đảng và chính quyền, hiện nay có những ưu điểm, thuận lợi, có những bất cập gì trong việc triển khai; cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ hiệu quả hoạt động và mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của địa phương và những vấn đề giao thoa, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của mối quan hệ công tác nếu có. Sự chồng chéo của địa phương mình với các tổ chức của Trung ương đặt ở địa phương nếu có. Xử lý mối quan hệ giữa các ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Về quản lý biên chế và tinh giản biên chế: Những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện quy định về quản lý biên chế và tinh giản biên chế thời gian qua, nhất là khi Bộ Chính trị có Kết luận số 64, Nghị quyết 39 và số 253 ngày 21/7/2014 về việc ban hành quy định của Bộ Chính trị về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị; đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Trên cơ sở nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã báo cáo những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong năm 2016 và quý 1/2017; trao đổi, thảo luận, nêu rõ những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ; sự chồng chéo giữa các ban, ngành trong triển khai công việc; xử lý mối quan hệ với các bộ, ngành; đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy ở Trung ương và địa phương gồm cả bộ máy tổ chức của Đảng và chính quyền trong giai đoạn mới theo yêu cầu và những nguyên tắc xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động có hiệu lực, hiệu quả…
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận các ý kiến đóng góp thiết thực của lãnh đạo thành phố; ghi nhận kết quả phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2016 và quý 1/2017 của Hải Phòng đạt được những chỉ số ấn tượng và bứt phá. Truyền thống đổi mới của thành phố biển thể hiện trong đổi mới cách làm khá táo bạo của bộ máy tổ chức Đảng, của cả hệ thống chính trị.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo khẩn trương, nghiêm túc, mạch lạc, chi tiết của Hải Phòng, nêu rõ những tồn tại, hạn chế, những kết quả đã đạt được cũng như cụ thể hóa các chương trình, chính sách, nghị quyết, kết luận của Trung ương về phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, hiệu lực; chủ động sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động để nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị và bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Hải Phòng cũng đã thực hiện nghiêm chủ trương thực hiện tinh giản biên chế theo quy định giai đoạn 2015-2021. Đến nay toàn thành phố có 20/20 sở và tương đương, 15/15 quận, huyện đã xây dựng Đề án tinh giản biên chế và thực hiện đã có kết quả. Đặc biệt, Hải Phòng cũng là địa phương thí điểm nhất thể hóa các chức danh, nhất là chức danh Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND, Phó Bí thư cấp ủy kiêm Phó Chủ tịch UBND. Đây sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 có đánh giá đầy đủ, khách quan về công tác triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương tại các địa phương, cơ sở, từ đó hoàn thiện nội dung Đề án để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.
Về các kiến nghị, đề xuất của Hải Phòng có một số nội dung về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đoàn khảo sát ghi nhận và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 theo quy định./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()