Phó Thủ tướng: Sẽ có giải pháp để hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sẽ quản lý chặt các hộ kinh doanh cá thể về nộp thuế, các hộ này chuyển đổi thành doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi hơn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp báo sáng 13/10. – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại buổi họp báo sáng 13/10 công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến định hướng phát triển doanh nghiệp (DN) thời gian tới.
Một trong những vấn đề được đặt ra tại buổi họp báo, khu vực kinh tế tư nhân vẫn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, cá thể với số lượng 5,1 triệu hộ, chiếm 31,33% GDP. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ nhằm khuyến khích chuyển đổi thành DN nhưng nhiều hộ vẫn “không chịu lớn”.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận “đây là đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam”.
“Đại đa số các hộ kinh doanh gia đình theo truyền thống lâu đời, họ không muốn đầu tư công nghệ sản xuất, không muốn mở rộng kinh doanh, không muốn làm số sách kế toán hay có giám đốc… nên cũng không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp mà chỉ muốn kinh doanh gia đình thôi. Đây là những yếu tố khiến các hộ kinh doanh cá thể “không chịu lớn”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh cá thể như đơn giản hoá thủ tục, miễn chi phí đăng ký DN… Chính phủ cũng đang tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính tạo thêm nhiều điều kiện để các hộ này chuyển đổi thành DN như phần mềm kế toán dùng chung, khai báo các thủ tục thuế đơn giản hơn…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ ra thực tế, con số 97% DN vừa và nhỏ hiện nay của Việt Nam tương đương với các nước khác trên thế giới, tuy nhiên “số lượng DN “siêu nhỏ” của chúng ta nhiều hơn”.
“Tôi đồng ý với các nhà báo việc cần thiết phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế bớt DN phá sản. Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi Luật về thuế thu nhập để khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, DN lập ra “tay không bắt giặc”, không có vốn mà chỉ chủ yếu đi vay ngân hàng… hoạt động một thời gian không đủ tiền trả lãi vay dẫn tới phá sản. 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể nếu chuyển đổi lên DN thì mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 không khó. Vì thế, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện việc này”, Phó Thủ tướng nói.
Cụ thể, Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Tài chính đang xây dựng quy định về hoá đơn điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt làm cơ sở để tính thuế, xoá bỏ tình trạng nộp thuế theo phương thức khoán như hiện nay nhằm mục đích “quản lý chặt các hộ kinh doanh cá thể về nộp thuế thì họ sẽ muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp”.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng chế độ kế toán đơn giản để tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên DN. Đồng thời, đề xuất việc các đại lý thuế được phép hành nghề kế toán cho các DN “siêu nhỏ”, tức là các cơ quan thuế ngoài việc hướng dẫn DN kê khai thuế còn hướng dẫn kế toán cho các DN siêu nhỏ.
“Các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN cũng sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi hơn. Ví dụ như hiện DN đang áp mức thuế 20% đối với DN nhỏ thì các DN sau khi chuyển đổi sẽ được áp mức 17%… Những vấn đề này sẽ được Chính phủ đề xuất đưa vào nội dung kỳ họp Quốc hội tới đây”, Phó Thủ tướng cho biết.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ KH&ĐT và Tổng cục Thống kê xây dựng Đề án về khu vực kinh tế chưa được quan sát (kinh tế ngầm) gồm 5 thành tố: kinh tế ngầm; các hoạt động kinh tế bất hợp pháp; khu vực kinh tế chính thức chưa được quan sát (gồm các hộ kinh doanh nhỏ lẻ); khu vực kinh tế tự sản tự tiêu của hộ gia đình; các hoạt động thu thập dữ liệu cơ bản bị bỏ sót.
“Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp chống xói mòn cơ sở thuế để nền kinh tế trở nên minh bạch hơn bởi mục tiêu của Chính phủ là cải thiện thực chất hơn môi trường đầu tư, kinh doanh”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Nhìn nhận đúng tỷ lệ nội địa hóa
Trước các ý kiến cho rằng chính sách đang “ưu ái” hơn cho các DN FDI, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Quan điểm nhất quán của Đảng và Chính phủ coi DN FDI là bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, bộ phận nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực nên cần phải khai thác mặt tích cực và khắc phục mặt hạn chế.
“Vừa rồi tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam cho thấy, các DN FDI đóng góp cho nền kinh tế 20% GDP nhưng thuế nộp cho ngân sách chỉ chiếm 14%. Vì thế, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ các DN FDI, rà soát lại các chính sách ưu đãi, tăng cường rà soát các hạn chế, nhược điểm của DN FDI về lợi nhuận, nộp ngân sách, tình trạng chuyển giá, quy mô tăng thêm nhưng lợi nhuận khai báo thấp…”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng phủ nhận quan điểm “xuất khẩu của DN trong nước chỉ chiếm 30%” bởi các DN nội địa đóng góp vào tỉ lệ nội địa hoá của chính các DN FDI một lượng không nhỏ. Ví dụ như NIKE có tỉ lệ nội địa hoá lên tới 95%, con số này của Samsung là 54%.
“Tỉ lệ nội địa hoá đang ngày càng tăng lên, chúng ta phải nhìn nhận thực tế này và cũng nhìn nhận đúng về các DN FDI. Sau khi tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam, Bộ Chính trị và Chính phủ đang xem xét ban hành chiến lược mới về FDI”, Phó Thủ tướng cho biết.
Thông tin thêm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Việt Nam cần cả hai khu vực DN tư nhân trong nước và DN FDI cùng phát triển mạnh và đồng đều, muốn làm được như vậy chúng ta phải thu hút DN FDI theo hướng chọn lọc hơn.
Các tiêu chí chọn lọc lần lượt gồm: DN FDI đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam; DN có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường (hiện công nghệ mới ở mức trung bình, khá); DN phải có chuỗi giá trị toàn cầu và sẵn sàng kết nối với DN Việt Nam để liên kết trong và ngoài nước.
Ý kiến ()