Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh về phòng chống tội phạm và chống buôn lậu
Ngày 6/10, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố 9 tháng năm 2014.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong điều kiện địa bàn rộng lớn, tập trung nhiều người từ các địa phương khác về sinh sống và làm việc, là đầu mối giao thông lớn của khu vực, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều kết quả đáng mừng. Tuy nhiên để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, thành phố cần có nhiều giải pháp căn cơ, trong đó cần chú trọng xây dựng mô hình toàn dân phòng chống tội phạm.
*Án đặc biệt nghiêm trọng giảm, án lừa đảo tăng mạnh
Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 9 tháng, tại thành phố xảy ra 4.668 vụ phạm pháp hình sự, tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm trước. Các loại án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, cướp giật tài sản, hiếp dâm đều giảm mạnh. Tuy nhiên, án lừa đảo lại có mức tăng 22,35% với 301 vụ, tăng 55 vụ. Xuất hiện các vụ lừa đảo có yếu tố nước ngoài, đối tượng sử dụng thủ đoạn nhắn tin, gọi điện đến nhà dân có thuê bao điện thoại cố định thông báo nợ cước điện thoại để dẫn dụ người bị hại theo kịch bản dàn dựng sẵn. Đáng chú ý, gia tang một số trường hợp bắt cóc giả, tống tiền that do các đối tượng là người thân, con em trong gia đình muốn chiếm đoạt tiền của gia đình đã dàn dựng tình huống bị bắt cóc để tống tiền gia đình…
Tội phạm trên lĩnh vực kinh tế có sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn và có sự tổ chức, liên kết móc nối với nhau; tội phạm về ma túy tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, có dấu hiệu gia tăng cả cung lẫn cầu, nổi lên hoạt động của đường dây, tổ chức vận chuyển trái phép ma túy số lượng lớn xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài qua cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất sang Trung Quốc, Australia, trong đó có 16 vụ trung chuyển heroin, cocain, tiền chất ma tuý với số lượng lớn vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài.
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân thành phố, việc mua bán, sử dụng ma túy nhỏ lẻ trong cộng đồng dân cư, tại các nơi công cộng, vũ trường, quán bar, nhà hàng vẫn còn diễn ra; ngoài ra ,các đối tượng thường sử dụng ma túy tổng hợp tại các khách sạn, nhà trọ hay nhà ở riêng gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý. Trong khi đó, công tác đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh vẫn đang bị ách tắc (từ đầu năm đến nay chưa đưa được trường hợp nào vào cơ sở chữa bệnh).
*Hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế được truy thu
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hàng hóa nhập lậu vào thành phố theo nhiều nguồn như: từ cửa khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, khai báo gian lận hải quan về số lượng, chủng loại, lợi dụng luồng xanh để tuồn hàng nhập lậu vào sau đó hợp thức hóa bằng hóa đơn bán hàng hợp pháp; hàng nhập vào theo đường mòn lối mở tại các tỉnh có đường biến giới với các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào. Bên cạnh đó, tình hình xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, phần lớn giả các nhãn hiệu nổi tiếng, xuất xứ Trung Quốc, bán giá rẻ, để lẫn với hàng thật tại các cửa hàng kinh doanh cố định.
Tình hình buôn lậu thuốc lá điếu trên địa bàn giáp ranh gia tăng trên tuyến quốc lộ 22, tỉnh lộ 2, tỉnh lộ 15. Do mức chênh lệch giá thuốc lá ngoại giữa thị trường Campuchia và thị trường Thành phố Hồ Chí Minh rất cao, nên các đối tượng buôn lậu đã sử dụng nhiều thủ đoạn vận chuyển khá tinh vi, khó kiểm tra, phát hiện.
*Cần xây dựng mô hình toàn dân phòng chống về tội phạm
Tại Hội nghị. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được trong đấu tranh phòng chống tội phạm thì Thành phố còn bộc lộ một số tồn tại. Đó là tội phạm có yếu tố nước ngoài gia tăng, tỷ lệ điều tra phá án thấp, chỉ đạt 64,4% trong khi đòi hỏi trên 70%; người nghiện ma tuý lang thang uy hiếp, tống tiền người dân còn diễn ra; hàng giả, hàng lậu bày bán tràn lan…
Phó Thủ tướng nhận định, nguyên nhân xảy ra tình trạng phức tạp ở Thành phố Hồ Chí Minh là do thành phố là thị trường tiêu thụ lớn; nhận thức phòng ngừa ở một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ, chưa quyết liệt, thiếu chủ động, mất cảnh giác… Thậm chí có trường hợp vụ lợi, bao che, tiếp tay cho buôn lậu; các lực lượng chức năng chưa làm tốt việc nắm tình hình, nghiên cứu, điều tra dự báo nên hiệu quả phòng ngừa tội phạm còn hạn chế…. Phó Thủ tướng đề nghị Thành phố cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ lớn để xây dựng xã hội an toàn, tạo môi trường sống cho người dân, môi trường an toàn cho nhà đầu tư và môi trường kinh doanh lành mạnh.
Thành phố cần chú trọng đào tạo cán bộ quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, điều chuyển, luân chuyển cán bộ theo đúng quy định các vị trí nhạy cảm; mở các đợt cao điểm đấu tranh chống tội phạm, buôn lậu và gian lận thương mại, tập trung vào những mặt hàng trọng điểm, vào các tụ điểm, đầu nậu; có giải pháp giám sát hàng quá cảnh, chuyển khẩu, không để thẩm lậu vào thị trường nội địa… Phó Thủ tướng nhấn mạnh, lực lượng chức năng của Thành phố cần tập trung xử lý các băng nhóm tội phạm hình sự, tội phạm môi trường, công nghệ cao và đặc biệt là cần phải xây dựng mô hình toàn dân phòng chống tội phạm. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi toàn dân tham gia, công cuộc phòng chống tội phạm mới thành công.
Với những đánh giá về tình hình tội phạm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng Thành phố cần tăng cường công tác đấu tranh chống thuốc lá lậu, phá các điểm tập kết hàng lậu và mở nhiều đợt cao điểm về đấu tranh phòng chống buôn lậu. Ngoài ra, Thành phố cần tăng cường tuyên truyền, đề nghị các tiểu thương cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Túc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, dự báo Việt Nam sẽ là điểm đến của sản phẩm động vật hoang dã, phía nước ngoài đang tập kết hàng lậu để đẩy vào trong nước, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là địa bàn nóng về vấn đề này, vì vậy, cần phải có giải pháp ngăn chặn “cơn bão” buôn lậu. Cụ thể, trong thời gian tới ngành Hải quan sẽ tập trung ngăn chặn việc lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục, lợi dụng luồng xanh để đưa hàng lậu vào bằng cách khi đã quyết định kiểm tra thực tế thì phải kiểm tra 100%, không theo tỷ lệ 5 -10% như trước. Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Túc cho rằng cần bổ sung thêm mặt hàng xăng dầu vào các mặt hàng kiểm soát trọng điểm. Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị triển khai kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu qua lợi dụng hải quan điện tử.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, làm việc và tặng quà cho Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh) – đơn vị đã có nhiều thành tích trong công tác kiểm soát chống buôn lậu, đặc biệt là vận chuyển trái phép ma tuý qua đường hàng không trong thời gian vừa qua.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()