Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm việc tại tỉnh Thanh Hóa
Chiều 7/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sau 2 năm triển khai thí điểm đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Thanh Hóa phải coi đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một giải pháp thực hiện quy hoạch nhân lực của tỉnh.Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, đến tháng 11/2011, toàn tỉnh đã có 9.280 lao động nông thôn được hỗ trợ kinh phí đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên từ 1 đến dưới 3 tháng theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg, riêng năm 2011 đã mở được 48 lớp đào tạo cho 1.558 lao động nông thôn. Một số địa phương tổ chức dạy nghề rất hiệu quả như: Thọ Xuân, Nga Sơn, Yên Định... trong đó có 4 mô hình dạy nghề hiệu quả có thể nhân rộng như: mô hình dạy nghề kỹ thuật sản xuất lúa F1 tại huyện Yên Định, mô hình lúa cao sản tại...
Chiều 7/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sau 2 năm triển khai thí điểm đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Thanh Hóa phải coi đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một giải pháp thực hiện quy hoạch nhân lực của tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, đến tháng 11/2011, toàn tỉnh đã có 9.280 lao động nông thôn được hỗ trợ kinh phí đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên từ 1 đến dưới 3 tháng theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg, riêng năm 2011 đã mở được 48 lớp đào tạo cho 1.558 lao động nông thôn. Một số địa phương tổ chức dạy nghề rất hiệu quả như: Thọ Xuân, Nga Sơn, Yên Định… trong đó có 4 mô hình dạy nghề hiệu quả có thể nhân rộng như: mô hình dạy nghề kỹ thuật sản xuất lúa F1 tại huyện Yên Định, mô hình lúa cao sản tại huyện Thọ Xuân, mô hình dạy nghề thêu ren, đính cườm tại khu làng nghề Thị trấn Nga Sơn (huyện Nga Sơn), mô hình dạy nghề dệt chiếu cải tại Nga Sơn và mô hình dạy nghề Mây giang xiên tại huyện Thiệu Hóa. Sau khi triển khai, các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội to lớn, nâng thu nhập của người nông dân lên từ 40.000-90.000đ/ngày so với trước đây.
Thanh Hóa đã lựa chọn hơn 90 cơ sở dạy nghề có năng lực để đào tạo cho lao động nông thôn, đảm bảo chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Tỉnh còn mở 55 lớp dạy nghề theo hình thức cấp thẻ học nghề nông nghiệp cho 1.915 người. Đặc biệt, tỉnh còn phối hợp với Tổng cục Dạy nghề tổ chức 30 lớp thí điểm mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Nga Sơn với các nghề nuôi tôm sú, nuôi lợn hướng nạc, sản xuất chiếu; tại vùng biển huyện Hậu Lộc, huyện Tĩnh Gia với nghề vận hành, sửa chữa và điều khiển máy tàu cá, kỹ thuật khai thác lưới kéo và tại vùng chuyên canh cây nguyên liệu mía thuộc huyện Thọ Xuân…
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: Thời gian tới, Thanh Hóa cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn về vai trò của đào tạo nghề với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Tỉnh cần rà soát lại kế hoạch năm 2012 và những năm tiếp theo, tiến hành phân loại ngành nghề để có định hướng tốt trong việc cung cấp thông tin về những nghành nghề có triển vọng cho người nông dân. Thanh Hóa cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực góp phần phát triển hơn nữa nghề truyền thống để mang lại giá trị kinh tế cao, tập trung điều chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết việc đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, “lôi kéo” được các doanh nghiệp cùng tham gia vào công tác đào tạo nghề… Đồng thời tỉnh cần chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở dạy nghề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.
Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thảo luận, phân tích những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại sau 2 năm thực hiện Đề án. Trong đó chỉ rõ những vấn đề vướng mắc, khó khăn như: một số cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự “vào cuộc” trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vì thế vai trò của cấp huyện, cấp xã trong việc thực hiện Quyết định 1956 vẫn chỉ là bề nổi; chưa có biện pháp chỉ đạo tích cực khi xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cũng như công tác tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy nghề còn nặng về số lượng mà không xuất phát từ nhu cầu học và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bản thân những lao động nông thôn chưa hiểu đầy đủ sự cần thiết và lợi ích của việc học nghề, người lao động học nghề phi nông nghiệp rất khó tiếp cận vốn để mở xưởng sản xuất hoặc sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ nếu không có các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã tới thăm làng nghề truyền thống đúc đồng Chè Đông, xã Thiệu Trung, Công ty may Thiệu Đô huyện Thiệu Hóa, lớp dạy nghề lúa lai tại xã Định Hòa (huyện Yên Định)… là những đơn vị thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp người lao động nông thôn nâng cao thu nhập, có nghề ổn định…./.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()