Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Bắc Giang cần hoàn thiện Đề án phát triển sản xuất nấm
Sáng 22/9, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển sản xuất nấm của tỉnh giai đoạn 2007-2010; định hướng sản xuất nấm của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng kết quả thực hiện Đề án phát triển sản xuất nấm của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2007-2010 có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất nấm ở tỉnh. Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, Bắc Giang tuyên truyền mạnh mẽ hơn để nông dân biết rõ lợi ích, hiệu quả cao của trồng nấm. Nguồn nguyên liệu sản xuất nấm ở tỉnh rất lớn, nếu tỉnh tổ chức làm tốt thì người dân có thể còn làm được nhiều hơn kế hoạch tỉnh đề ra. Tỉnh làm việc với các Bộ, ngành liên quan để giải quyết vấn đề vốn cho sản xuất nấm kèm theo việc chuẩn hóa các thiết bị giàn - giá sản xuất nấm; hướng dẫn triển khai rộng các mô hình sản xuất nấm đã...
Sáng 22/9, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển sản xuất nấm của tỉnh giai đoạn 2007-2010; định hướng sản xuất nấm của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng kết quả thực hiện Đề án phát triển sản xuất nấm của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2007-2010 có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất nấm ở tỉnh. Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, Bắc Giang tuyên truyền mạnh mẽ hơn để nông dân biết rõ lợi ích, hiệu quả cao của trồng nấm. Nguồn nguyên liệu sản xuất nấm ở tỉnh rất lớn, nếu tỉnh tổ chức làm tốt thì người dân có thể còn làm được nhiều hơn kế hoạch tỉnh đề ra. Tỉnh làm việc với các Bộ, ngành liên quan để giải quyết vấn đề vốn cho sản xuất nấm kèm theo việc chuẩn hóa các thiết bị giàn – giá sản xuất nấm; hướng dẫn triển khai rộng các mô hình sản xuất nấm đã có hiệu quả. Tỉnh cần đưa thêm nghề trồng nấm vào Chương trình dạy nghề cho nông dân. Tỉnh nên thành lập Hội trồng nấm để giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm cho nông dân. Từ hội nghị này, Bắc Giang có đủ tiền đề để hoàn thiện Đề án phát triển sản xuất nấm giai đoạn 2011-2015, có điều kiện đưa nấm trở thành cây chủ lực ở tỉnh.
Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bắc Giang thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nấm gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 đạt sản lượng nấm tươi từ 6.000 đến 7.000 tấn với doanh thu khoảng 150 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động thường xuyên và hàng ngàn lao động nông nhàn khác. Toàn tỉnh có 50 – 60 mô hình sản xuất nấm tập trung theo địa bàn xã, từ 1.500 đến 2.000 hộ sản xuất nấm theo quy mô hộ gia đình hoặc trang trại và có từ 3-5 doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm. Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nấm, vốn tín dụng ưu đãi…để phát triển sản xuất nấm; quy hoạch sản xuất nấm trở thành nghề sản xuất hàng hóa quan trọng của tỉnh. Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch sản xuất nấm hằng năm, tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ người sản xuất nấm; tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách phát triển sản xuất nấm đến người dân. Bắc Giang cũng đề nghị các Bộ, ngành chức năng ở Trung ương bố trí vốn đầu tư xây dựng một Trung tâm giống nấm cho tỉnh. Trước mắt, trong năm 2012, hỗ trợ xây dựng hoàn chỉnh Dự án nâng cấp Trung tâm giống nấm Bắc Giang để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án phát triển sản xuất nấm trong Chương trình giống quốc gia giai đoạn 2011-2015; hỗ trợ phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về ứng dụng khoa học công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Kết quả thực hiện Đề án phát triển sản xuất nấm của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2007-2010, toàn tỉnh đã có 500 hộ với khoảng 2.000 lao động trồng nấm, tổng sản lượng nấm tươi đạt gần 3.500 tấn, doanh thu đạt gần 41 tỷ đồng, lợi nhuận thu được hơn 14 tỷ đồng. Đề án này cũng đã hạn chế việc đốt hàng ngàn tấn phế thải, phụ phẩm (rơm, rạ, mùn cưa…) từ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo một nền nông nghiệp sạch, an toàn; tạo ra hàng ngàn tấn phân hữu cơ từ việc xử lý bã thải sau khi trồng nấm, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Nhiều đại biểu dự hội nghị cũng nêu rõ những hạn chế trong thực hiện Đề án này như số lượng mô hình sản xuất quy mô lớn còn ít; chưa có doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm quy mô công nghiệp; mức độ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của các mô hình sản xuất nấm còn thấp, thiếu đồng bộ; việc sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với tiêu thụ sản phấm, khó khăn về vốn vay…/
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()