Phó Thủ tướng lưu ý những việc khối Y tế cần triển khai trong thời gian tới
Chiều 15/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì giao ban quý I/2018 khối Y tế, sau các cuộc giao ban khối Giáo dục và Đào tạo, VHTTDL đầu năm 2018.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý những việc rất cụ thể mà khối Y tế cần thực hiện. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Báo cáo Phó Thủ tướng về công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân 2 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch mùa xuân 2018, thời điểm giao mùa, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp (cúm, sởi), công tác thường trực khám, chữa bệnh, cấp cứu trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, các bệnh viện hoạt động ngay sau Tết để phục vụ nhân dân.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm quá tải. Ngành cũng đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội; triển khai Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.
Đồng thời, Bộ triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh xây dựng các quy định liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế; xây dựng Đề án thành lập Hội đồng Y khoa theo hướng mô hình các nước trên thế giới để trình Chính phủ làm cơ sở tiến hành thí điểm; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế; triển khai Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.
Bộ cũng đề xuất Chính phủ phương án thay thế vaccnie DPT-VGB-Hib (Quinvaxem) cho tiêm chủng mở rộng và cơ chế đặt hàng vaccine sản xuất trong nước dùng trong tiêm chủng mở rộng và phòng, chống dịch; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.
Đáng chú ý, hiện đã có 42 tỉnh thực hiện mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật; 46 tỉnh tiến hành hợp nhất trung tâm y tế huyện đa chức năng và quản lý trạm y tế xã.
Các ý kiến tại cuộc họp đã thảo luận về một số nhiệm vụ cụ thể mà Bộ Y tế sẽ triển khai trong thời gian tới. Cụ thể là chủ động phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm quá tải bệnh viện, bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường quản lý môi trường y tế; hoàn thiện dự thảo Luật Dân số, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; rà soát, điều chỉnh một số dịch vụ y tế cho phù hợp…
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Kết luận cuộc giao ban, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý một số việc cụ thể cần triển khai trong thời gian tới.
Về y tế cơ sở, từ nền tảng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng, các trạm y tế xã triển khai các phần mềm khác để lập hồ sơ quản lý sức khỏe đến từng người dân, thực hiện quản lý, theo dõi, điều trị các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc dài hạn; đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, phòng chống các dịch bệnh chuẩn bị vào mùa như sốt xuất huyết; bảo đảm đầy đủ vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
“Không được để bất ngờ như dịch sốt xuất huyết xảy ra trong năm 2017 tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM”.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Tổng hội Y học Việt Nam xây dựng, hoàn thiện, ban hành các phác đồ điều trị, quy trình kỹ thuật; tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện thanh toán BHYT, liên thông kết quả xét nghiệm, chất lượng bệnh viện.
“Việc cập nhật dữ liệu điện tử để phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT dù khối lượng nhiều cũng dứt khoát phải thực hiện. Đồng thời, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải nắm được 16 triệu hợp đồng BHYT thương mại để có được số liệu chính xác về tỷ lệ người dân tham gia BHYT, mở rộng diện bao phủ BHYT với nhiều mức giá khác nhau”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Trước băn khoăn, kiến nghị của Bộ Y tế liên quan đến các phương án, hình thức đầu tư vào bệnh viện, Phó Thủ tướng cho rằng trước mắt Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương chỉ đạo quyết liệt thực hiện thí điểm tự chủ tại một số bệnh viện lớn, đủ điều kiện, song song với việc hoàn thiện Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Đồng thời làm rõ thực hiện tự chủ không có nghĩa là nhà nước không đầu tư, không quản lý nhưng bệnh viện tự chủ sẽ giải quyết được vấn đề nhân lực, tổ chức bộ máy, tài chính… Từ đó, tạo ra môi trường cho huy động nguồn lực xã hội tốt hơn, khắc phục những nhược điểm của xã hội hóa y tế trong bệnh viện hiện nay, phát triển những cơ sở điều trị hiện đại, kỹ thuật cao, đầu ngành để người bệnh không phải ra nước ngoài điều trị.
Trong hoạt động quản lý dược phẩm, Bộ Y tế đẩy mạnh, mở rộng danh mục thuốc, vật tư y tế đấu thầu tập trung quốc gia, ưu tiên những loại thuốc, vật tư có doanh số, khối lượng lớn; triển khai thí điểm quản lý nhà thuốc trong hoạt động kê đơn, bán thuốc, tiến đến quản lý hoạt động sản xuất, lưu trữ, phân phối dược phẩm…
Theo baochinhphu
Ý kiến ()