Phó Thủ tướng kiểm tra tiến độ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nếu không tiếp tục thực hiện dự án sẽ gây lãng phí rất lớn cho đất nước bởi đây là công trình trọng điểm quốc gia, nếu chậm tiến độ thì tổng mức đầu tư sẽ tăng lên.
Chiều 5/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ thi công, xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng cho biết, chủ đầu tư của dự án là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tổng thầu EPC là Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam, quy mô công suất gồm 2 tổ máy là 1.200 MW, điện năng sản xuất là 7,2 tỷ kWh/năm, điều chỉnh lần 2 (sau VAT) lên 41.799 tỷ đồng.
Dự kiến tiến độ hoàn thành nhà máy vào năm 2022 với điều kiện các cơ chế được cấp có thẩm quyền tháo gỡ.
Tình hình triển khai dự án, tiến độ tổng thể dự án đạt khoảng 86%, trong đó thiết kế đạt 99,8%, ký các hợp đồng mua sắm đạt 99,7%, gia công và chế tạo đạt hơn 94%, thi công đạt khoảng 84,1%, chạy thử khoảng 12,7%. Tuy nhiên, đến nay dự án đang bị đình trệ do vướng mắc về cơ chế và giải ngân nên các đơn vị và nhà thầu không có vốn để tiếp tục thực hiện dự án.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, nếu không tiếp tục thực hiện dự án sẽ gây lãng phí rất lớn cho đất nước bởi đây là công trình trọng điểm quốc gia, nếu chậm tiến độ thì tổng mức đầu tư sẽ bị tăng lên. Do đó, không còn con đường nào khác là phải sớm có giải pháp quyết liệt để hoàn tất dự án này.
“Càng để lâu dự án này càng thiệt hại. Vấn đề là phải quyết tâm thực hiện,” Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải, người dân địa phương từng coi dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là niềm tự hào trong những năm qua. Tuy nhiên vì nhiều lý do, dự án phải tạm dừng triển khai, khiến lãnh đạo và nhân dân tỉnh Thái Bình lo lắng.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đề nghị Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện dự án, sớm đi vào hoạt động, đồng thời cam kết sẽ luôn đồng hành cùng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giải quyết để dự án sớm vận hành, đóng góp tích cực cho địa phương.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc sau khi kiểm tra thực tế và nghe ý kiến của các ban, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ đây là dự án điện trọng điểm quốc gia có vai trò quan trọng, khi hoàn thành sẽ cung cấp điện cho khu vực duyên hải Bắc Bộ và cả nước.
Hiện nay khối lượng hoàn thành đã đạt trên 86%, tuy nhiên do có nguyên nhân khách quan và chủ quan, kể cả những vi phạm nên dự án bị dừng lại, gây thiệt hại lớn.
Các vi phạm cần được khắc phục và phải quyết tâm thực hiện dự án này, không để kéo dài. Những vi phạm đã được thanh tra chỉ rõ cần xử lý, những vấn đề liên quan đến văn bản quy phạm thì không hồi tố.
Chính phủ đã báo cáo, được cấp có thẩm quyền cho phép Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án, sử dụng nguồn vốn của PVN để hoàn thành. Do vậy, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định không vì những vi phạm trước đây mà không tiếp tục thực hiện dự án, gây tổn thất cho đất nước.
Khi dự án hoàn thành sẽ có đóng góp lớn cho an ninh năng lượng quốc gia và ngân sách địa phương; sản lượng điện hằng năm sẽ đạt khoảng 7,2 tỷ kWh, nộp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động thường xuyên.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng giao các bộ, ngành khẩn trương tổ chức rà soát lại các văn bản pháp lý liên quan đến dự án để có hướng xử lý nhằm sớm đưa hoàn thành dự án, không để kéo dài, góp phần nhanh chóng đưa dự án đi vào hoạt động để vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và giảm tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, khi dự án đi vào sử dụng phải bảo đảm môi trường, không gây ô nhiễm, nhất là khi số lượng xỉ thải rất lớn. Do đó, cần có tính toán để xử lý ngay từ bây giờ; có giải pháp để sử dụng nguồn nhân lực đã và đang được đào tạo để vận hành nhà máy, không để lãng phí nguồn nhân lực này.
Về xuất xứ và chất lượng máy móc thiết bị, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ đây là trách nhiệm của Tập đoàn và tổng thầu phải chịu trách nhiệm…/.
Ý kiến ()