Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo công tác phòng chống bão số 11
Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành miền Trung từ Thanh Hóa đến Phú Yên để triển khai các phương án phòng, chống bão số 11 đã được tổ chức vào chiều 13/10.
Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành miền Trung từ Thanh Hóa đến Phú Yên để triển khai các phương án phòng, chống bão số 11 đã được tổ chức vào chiều 13/10.
Ngư dân Đà Nẵng chủ động đưa các phương tiện nhỏ lên bờ |
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành có liên quan của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cho biết, đến 1 6 giờ ngày 13/10, bão số 11 ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220 km về phía Đông Nam với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km. Đến 16 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị – Quảng Ngãi khoảng 140 km về phía Đông với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14 (tức từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCLB Trung ương và Ủy ban quốc gia TKCN thì bão số 11 là một cơn bão mạnh, khả năng khi vào đất liền gió cấp 12 và giật đến cấp 17; hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa trên diện rộng, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành trong khu vực miền Trung. Đồng thời nhận định, bão có thể đổ bộ vào miền Trung tại các địa bàn như: Khu vực tỉnh bắc Quảng Nam và TP Đà Nẵng hoặc giữa TP Đà Nẵng và phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra bão cũng có thể chếch lên phía Bắc hướng vào khu vực Thừa Thiên Huế đến Quảng Bình.
Theo đó, nếu bão đổ bộ vào khu vực Quảng Nam và TP Đà Nẵng hoặc giữa TP Đà Nẵng và phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế thì thời gian vào bờ khoảng trong chiều tối và đêm ngày 14 đến sáng ngày 15/10 tại khu vực Quảng Nam đến Nam tỉnh Thừa Thiên Huế và chậm hơn từ 6 đến 12 giờ đối với khu vực Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế đên Quảng Bình.
Do đó, theo đề nghị của các thành viên Ban Chỉ huy PCLB Trung ương và Ủy ban quốc gia TKCN, các địa phương trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 11 và hoàn lưu sau cần tập trung khẩn trương kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển vào bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão, tìm nơi trú tránh an toàn, đồng thời thông báo cấm biển cũng như tuyên truyền để nhân dân, các cơ quan, đơn vị biết chằng chống nhà cửa, kho tàng, bến bãi, các công trình, nhà máy, cơ quan, công sở…; chủ động rà soát, kiếm tra và có phương án di dời dân tại các địa bàn xung yếu, ngập lụt, có khả năng bị lũ lụt hoặc sạt lở núi; kiểm tra các hồ đập và chỉ đạo công tác tích lũy nước cũng như xả lũ tại các hồ đập không đảm bảo, vượt quá mức chứa theo thiết kế; có kế hoạch sơ tán dân tại các địa bàn hạ du khi phải xả lũ bắt buộc vì lượng nước quá lớn vượt mức cho phép; chú trọng công tác vệ sinh môi trường, các vấn đề về bảo đảm an toàn lương thực, thực phẩm, thuốc men tại các địa bàn bị bão lụt; làm tốt công tác đảm bảo an toàn lưới điện và hệ thống giao thông, phòng cháy chữa cháy…
Theo báo cáo của UBND các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Phú Yên, đến chiều 13/10, các địa phương đã thông báo và liên lạc được với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển để kêu gọi vào bờ hoặc tránh hướng bão. Nhiều địa phương đã có các công điện của UBND tỉnh hoặc Ban Chỉ huy PCLB&TKCN chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 11, đặ biệt là chủ động xây dựng các phương án di dời dân cư tại các địa bàn xung yếu, nguy hiểm.
Theo các tỉnh, hầu hết các hồ đập trên địa bàn đến nay đều được kiểm tra, xây dựng phương án đảm bảo an toàn khi có bão lũ. Tuy nhiên, đối với các hồ đập không đảm bảo an toàn do xuống cấp hoặc đối với các hồ lớn, các địa phương hiện đang chỉ đạo cho xả lũ ở mức độ an toàn, hợp lý nhằm giảm áp lực khi mưa bão đến…
Riêng về công tác kêu gọi tàu thuyền vào bờ, đến nay tại Thanh Hóa hiện còn 1.096 phương tiện với 5570 lao động còn ở khu vực phía Bắc đảo Cồn Cỏ và hiện đang di chuyển vào bờ; Nghệ An còn 951 phương tiện với khoảng 6000 lao động đang vào bờ tìm nơi neo đậu hoặc đang thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão; Hà Tĩnh có 100 tàu đánh bắt xa bờ đều đã vào bờ; Quảng Bình có 190 tàu với 1.850 lao động đã bắt được liên lạc và đang vào bờ trú bão; Quảng Trị có 2.500 tàu thuyền đều đã vào bờ tìm nơi neo đậu; Thừa Thiên Huế có 1820 tàu thuyền (trong đó có 10 tàu thuyền tại các địa phương khác) cũng đang neo đậu tại các khu vực trú bão; Đà Nẵng còn 52 tàu thuyền cách đất liền 30 hải lý cũng đang di chuyển vào bờ; Quảng Nam có 24 tàu khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bắt liên lạc và đang di chuyển vào bờ; Quảng Ngãi có 12 tàu khu vực đảo Hoàng Sa cũng đang khẩn trương vào bờ; Bình Định có 7 tàu với 32 lao động tại khu vực đảo Hoàng Sa hiện đang cấp tốc vào bờ; Phú Yên đến 15h chiều 13/10 còn 89 phương tiện với 758 lao động tại khu vực đảo Trường Sa đang trên đường về đất liền.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLBTrung ương đề nghị, lãnh đạo các địa phương và Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành cũng như các Bộ, ngành cần theo dõi sát thông tin dự báo của bão để nắm vững diễn biến mà thông báo kịp thời đến nhân dân bởi hiện đối với bão số 11 có nhiều dự báo khác nhau và các thông số trung bình về lượng mưa cũng khác nhau do mưa cục bộ; không chủ quan trong mọi tình huống, nhất là các phương tiện đang trên đường vào đất liền nếu có sự cố về máy móc, thiết bị; khi tàu thuyền vào neo đậu trong bờ phải chú ý hướng dẫn neo đậu đúng phương pháp, kiên quyết không cho người ở lại tàu hoặc di chuyển tàu khi có bão; các địa phương tiếp tục cấm biển, không cho các phương tiện ra khơi; chú ý kêu gọi nhân dân dùng bao cát để chằng chống mái nhà (nhất là nhà mái tôn), các cơ quan, đơn vị chủ động chằng chống kho tàng, bến bãi và phải hoàn thành xong trước 19h ngày 14/10; các tỉnh, thành có phương án cho học sinh nghỉ học, chú ý các hồ chứa, nhất là các hồ đã đầy nước phải chủ động xả lũ hợp lý, đồng thời có phương án hướng dẫn nhân dân đối phó khi xả lũ bắt buộc khi mực nước các hồ không đảm bảo an toàn; khi bão vào, cấm các phương tiện giao thông, nhất là phương tiện chở hành khách di chuyển để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và hành khách.
Tàu thuyền của ngư dân miền Trung đang neo đậu |
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, bão số 11 là cơn bão rất mạnh, khả năng ảnh hưởng trực tiếp và hoàn lưu của bão khá phức tạp và ở diện rộng. Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần theo dõi sát sao các dự báo và tập trung cho công tác tuyên truyền, dự báo đến nhân dân. Đặc biệt, các cơ quan báo, đài và hệ thống Đài khí tượng thủy văn thường xuyên cập nhật thông tin thông báo đến nhân dân kịp thời nhằm chủ động phòng, chống.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý với các giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nêu ra. Đồng thời đề nghị các địa phương lưu ý, mọi hồ chứa nước trên địa bàn phải được kiểm tra nghiêm túc, kỹ càng các khâu vận hành, khả năng chứa nước và có phương án xả lũ đúng quy trình, đảm, bảo an toàn hồ đập và tính mạng, tài sản nhân dân; tổ chức các đoàn công tác và cử cán bộ xuống địa bàn cơ sở để chỉ đạo phòng, chống bão; cần quyết liệt trong cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi trong lúc này và tiếp tục kêu gọi tàu thuyền còn trên biển khẩn trương vào bờ để tránh trú an toàn.
Trong công tác chằng chống nhà cửa và neo đậu tàu thuyền, Phó Thủ tướng đề nghị phải chú ý đảm bảo đúng phương pháp, đặc biệt là kiên quyết không để người ở lại trên tàu hoặc các lồng bè cũng như leo trèo chằng chống nhà cửa khi bão vào, gây nguy hiểm đến tính mạng. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo đảm bảo an toàn giao thông trong trước, trong và sau bão lũ; đồng thời lưu ý không cho các phương tiện giao thông di chuyển khi có bão.
Về tình hình các hồ chứa, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, từ Thanh Hóa đến Phú Yên hiện có đến 49 hồ đang trong tình trạng nguy hiểm. Đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát lại để quản lý, có phương án điều hành hợp lý, đặc biệt là không cho tích nước những hồ không đảm bảo; chú ý mưa cục bộ gây vượt mức số liệu cho phép thiết kế hồ chứa, đe dọa vỡ hồ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng lưu ý Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam về độ an toàn của các trụ thu phát sóng; đồng thời đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng có phương án nâng tiêu chuẩn thiết kế các trụ để đảm bảo an toàn khi mùa mưa bão đến.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()