Phó Thủ tướng chủ trì họp bàn công tác tuyển sinh ĐH-CĐ
Cuộc họp bàn về phương án tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020, chiều 27/4. |
Bộ GD&ĐT khẳng định, dù có ảnh hưởng của dịch bệnh thì kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn được tổ chức nghiêm túc, trung thực, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan, tin cậy. Bộ sẽ thiết kế đề thi phù hợp; tổ chức giám sát chặt chẽ toàn bộ quy trình thi; công khai, minh bạch phổ điểm thi và phổ điểm học bạ để dư luận giám sát…
Các trường ĐH-CĐ có thể sử dụng kết quả kỳ thi làm căn cứ để xét tuyển đầu vào. Đối những người đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước có thể tham dự kỳ thi năm nay (thí sinh tự do) để lấy kết quả xét tuyển đầu vào ĐH-CĐ.
Theo các đại biểu, công tác tuyển sinh ĐH-CĐ thuộc quyền tự chủ của các trường. Luật Giáo dục đại học 2019 đã quy định điều kiện cần. Các trường cũng có quyền quy định thêm các điều kiện đủ cho phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo, điều kiện ưu tiên,…
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho biết, nhiều trường đã tính đến phương án tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng nhưng rất phức tạp, không chỉ cho thí sinh mà cả các trường. Vì vậy, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn bảo đảm trung thực, khách quan như những năm trước, độ phân hoá dù có giảm nhưng vẫn đảm bảo độ chênh lệch 0,25 điểm thì đa số các trường vẫn coi đây là một căn cứ quan trọng xét tuyển, và công tác tuyển sinh không có gì thay đổi.
Đại diện Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng cho rằng phương án công bố 1 đầu điểm cho bài thi tổ hợp là giải pháp căn cơ để tránh tình trạng học lệch nhưng đối với kỳ thi năm nay do thời gian quá gấp nên Bộ GD&ĐT cần xem xét phương án tiếp tục công bố các điểm môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Việc công bố 1 đầu điểm bài thi tổ hợp có thể thực hiện từ kỳ thi năm sau để các trường ĐH-CĐ có thời gian chuẩn bị cho phương án tuyển sinh mới.
Chia sẻ ý kiến này, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương nhận xét, lộ trình đổi mới thi cử, đổi mới đại học, dù năm nào cũng có tranh luận, nhưng cơ bản đang đi đúng hướng. Năm nay, phương án tuyển sinh ĐH-CĐ cơ bản là tốt nhưng còn hai điểm cần quan tâm. Thứ nhất là việc công bố 1 đầu điểm cho bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội sẽ gây khó cho các em học sinh vốn học, ôn thi theo môn từ đầu năm. Các trường ĐH-CĐ sẽ rất gấp để chuẩn bị phương án tuyển sinh theo cách công bố mới với điểm của bài thi tổ hợp. Thứ hai là dư luận mong muốn dù các trường ĐH-CĐ không về trông thi tại địa phương nhưng phải làm sao bảo đảm kỳ thi an toàn, trung thực, chất lượng… đặc biệt là công khai phổ điểm thi và phổ điểm học bạ để dư luận giám sát.
Trao đổi thêm với các đại biểu, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết về lâu dài việc công bố 1 đầu điểm cho bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội là để tránh tình trạng học lệch, học tủ, tuy nhiên, qua ý kiến của dư luận xã hội, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ, Ban Tuyên giáo Trung ương… Bộ sẽ tiếp thu, điều chỉnh lại bài thi tổ hợp, nâng thời gian thi lên như những năm trước, vẫn công bố điểm môn thi thành phần.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng khẳng định độ phân hoá của đề thi năm nay giảm bớt những “câu hỏi đánh đố” (vốn chỉ phục vụ yêu cầu phân hoá của một số ít trường ở tốp trên thường có mức điểm tuyển sinh rất cao, có thể đến 29-30 điểm) nhưng vẫn đảm bảo xếp loại được học sinh trung bình, khá, giỏi, xuất sắc và điểm thi vẫn chênh đến 0,25 điểm.
Bộ GD&ĐT khẳng định các trường có quyền tuyển sinh dựa trên điểm học bạ, năng khiếu, điểm thi tốt nghiệp… và cũng như những năm trước, một số ít trường có các kỳ thi đánh giá năng lực. Tôn trọng quyền tự chủ của của các trường ĐH-CĐ, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh tinh thần là các trường chỉ tổ chức những kỳ thi thêm nếu thật cần thiết, không làm khó cho học sinh.
Bộ GD&ĐT sẽ nhanh chóng rà soát lại, sớm hoàn thiện quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ phù hợp với quy định luật mới, theo tinh thần tự chủ nhưng không gây xáo trộn lớn; bảo đảm công khai, minh bạch để xã hội giám sát; tự chủ vẫn phải bảo đảm ưu tiên cho các nhóm xã hội theo quy định; sớm công bố mẫu đề thi để các trường và thí sinh tham khảo;…
Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng, Bộ Tư pháp,… đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để dư luận hiểu rõ về kỳ thi năm nay, thí sinh, gia đình yên tâm…
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện, sớm ban hành quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ vào đầu tháng 5/2020.
Bộ GD&ĐT cũng cần sớm công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT để học sinh, phụ huynh, giáo viên yên tâm, không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn thi của học sinh; bảo đảm kỳ thi trung thực, an toàn, chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét tuyển của các trường ĐH-CĐ./.
Ý kiến ()