Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị tìm giải pháp gỡ ‘thẻ vàng’ cho thuỷ sản Việt Nam
Sáng 3/8 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị về tổng kết thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đây là hội nghị quan trọng nhằm đánh giá kết quả những giải pháp, nhiệm vụ đã triển khai thực hiện, đồng thời bàn các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để có thể sớm đáp ứng các khuyến cáo của Uỷ ban châu Âu (EC) về khai thác cá trái phép, từ đó tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thuỷ sản Việt Nam.
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tham dự ở đầu cầu Hà Nội là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Lãnh đạo 28 địa phương tham dự qua cầu truyền hình.
Ngày 23/10/2017, EC phát cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam bởi Việt Nam chưa kiểm soát được hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; công tác quản lý nghề cá Việt Nam chưa tương đồng với quản lý nghề cá khu vực và thế giới đặc biệt chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác của EC.
Sau khi EC phát cảnh báo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố ven biển đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Ngay sau đó, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Thuỷ sản năm 2017 (ngày 21/11/2017), bảo đảm tương thích với các quy định của khu vực, quốc tế và các khuyến nghị của EC.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Chỉ thị 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 16/01/2018 về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 cùng nhiều chỉ đạo khác.
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi về nội dung này với các quan chức châu Âu.
Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều thông tư, quyết định để chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 45 của Chính phủ.
Bộ cũng đã thành lập thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Phú Yên, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Trà Vinh và Cà Mau.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã trực tiếp và tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc với các cơ quan liên quan của EC, với các quốc gia phát hiện tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép.
Ngành NN&PTNT cũng đã tăng cường hợp tác song phương và đa phương với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực để thúc đẩy các hoạt động chống khai thác IUU, thiết lập đường dây nóng trao đổi thông tin, đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam sang khai thác hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hợp tác với Australia thí điểm tuyên truyền về tác hại của khai thác IUU đến cộng đồng ngư dân ven biển trên địa bàn để nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp về chống khai thác IUU.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường triển khai thực hiện kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; xử phạt theo quy định các tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, vi phạm các quy định trong lĩnh vực thủy sản; điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối cho tàu cá, ngư dân đi vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
Ngành ngoại giao cũng đã có nhiều giải pháp bảo hộ công dân, kiên quyết đấu tranh với các nước sử dụng vũ lực để bắt giữ, xử lý tàu cá và ngư dân ta, đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngư dân.
Các cơ quan thông tấn, báo chí cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền về “Tình hình và giải pháp xử lý việc tàu cá, ngư dân Việt Nam xâm phạm, đánh bắt thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài”, qua đó nâng cao nhận thức của người dân, nhất la ngư dân.
Các địa phương đã tổ chức, chỉ đạo lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường thực hiện các biện pháp để quản lý ngư trường khai thác, ngăn chặn tàu cá của ta vi phạm vùng biển các nước trong khu vực khai thác bất hợp pháp.
Đến tháng 5/2018, có 22/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại 48 cảng trọng điểm ở các địa phương; có 3/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập tổ công tác liên ngành.
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ NN&PTNT, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp đã tích cực phối hợp trong việc truyền thông về chống khai thác IUU, phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức các hội thảo và làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản để phổ biến các quy định về IUU; ban hành Sách trắng về khai thác IUU.
Tuy nhiên, hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam trên thực tế chưa được cải thiện triệt để, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của EC đưa ra. Điều này đã được Đoàn thanh tra của EC chỉ rõ trong các cuộc làm việc, kiểm tra thực địa vừa qua.
Công tác thực thi pháp luật để bảo đảm việc kiểm soát tàu cá Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài chưa hiệu quả.
Tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa cải thiện đáng kể. Các cấp chính quyền cơ sở chưa vào cuộc quyết liệt, chủ yếu dừng ở mức độ tuyên truyền, hình thức xử lý chưa đủ mạnh.
Bên cạnh đó, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác kiểm soát tàu thuyền ra vào cảng còn hạn chế; việc xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định của EC.
Tại Hội nghị hôm nay, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các giải pháp để trước mắt là triển khai có hiệu quả các khuyến nghị để EC gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” với thuỷ sản Việt Nam. Qua đó hướng tới mục tiêu lâu dài là chấn chỉnh hoạt động khai thác hải sản để phát triển một cách bền vững, trong đó có yêu cầu tuân thủ nghiêm túc các quy định về khai thác hải sản của quốc tế.
Ý kiến ()