Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh làm việc tại tỉnh Bạc Liêu
Ngày 4/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cùng Đoàn công tác Chính phủ đã làm việc tại tỉnh Bạc Liêu về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2013 và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ngày 4/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cùng Đoàn công tác Chính phủ đã làm việc tại tỉnh Bạc Liêu về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2013 và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bạc Liêu đã đạt được và nhấn mạnh: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Bạc Liêu đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các giải pháp, nhờ đó một số mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đạt kết quả cao, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sau 3 năm triển khai, Bạc Liêu đã có nhiều giải pháp, kinh nghiệm hay có thể nhân rộng ra các địa phương khác; trong đó đáng chú ý là việc quán triệt, tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của Chương trình để nâng cao và làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân, tạo thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh giúp người dân chủ động và tích cực tham gia chương trình. Tỉnh đã quan tâm và hoàn thành công tác quy hoạch; quan tâm đến vấn đề gắn sản xuất vào quy hoạch theo hướng mỗi xã một sản phẩm; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ để tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, Bạc Liêu cũng chủ động huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng tại các xã; kết hợp triển khai xây dựng nông thôn mới ở tất cả các vùng, xây dựng từ ấp, xã, hoàn thành chỉ tiêu đến đâu chắc đến đó.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, quan tâm giải quyết nợ xấu, thu ngân sách trên địa bàn. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo; xác định rõ Chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình quan trọng mang tính chiến lược, lâu dài nên phải thực hiện thường xuyên, kiên trì mang tính bền vững cao. Tỉnh phải chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của chương trìn; chủ động rà soát lại các quy hoạch, trong đó chú ý các quy hoạch phải đảm bảo được yêu cầu phát triển trong tương lai, nhất là quy hoạch về sản xuất phải gắn với chế biến, tiêu thụ để đảm bảo tính bền vững. Tỉnh cũng cần nhân rộng các cách làm hay, có hiệu quả trong việc huy động nguồn vốn từ nhân dân…
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận và đề nghị các Bộ, ngành liên quan lưu ý các ý kiến đề xuất của Bạc Liêu kiến nghị với Chính phủ như cần quan tâm xúc tiến, bố trí nguồn kinh phí hợp lý để tỉnh sớm triển khai, hoàn thiện các dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế biển Gành Hào (huyện Đông Hải); tăng mức kinh phí hỗ trợ đầu tư các xã xây dựng nông thôn mới.
Từ các nguồn vốn, sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư trên 6.757 tỷ đồng; trong đó, vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gần 49 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án khác 686,287 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 221,350 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp trên 3.356 tỷ đồng (chiếm trên 49% tổng nguồn vốn huy động)… Đến nay, toàn tỉnh có 13/50 xã đạt từ 12 – 14 tiêu chí, 31/50 xã đạt từ 8 – 9 tiêu chí, 5/50 xã đạt dưới 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng cao. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân nông thôn. Tỉnh đã hình thành 28 mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả ở các xã xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh… Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một bộ phận nhân dân còn tư tưởng trông chờ vào đầu tư của nhà nước, chưa tích cực tham gia Chương trình nên tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm. Việc lựa chọn tiêu chí để tổ chức thực hiện ở một số địa phương còn có biểu hiện thành tích, nặng về huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng nhiều đến lĩnh vực phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để nâng cao thu nhập cho nông dân. Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình còn thấp, chủ trương xã hội hoá các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở cấp xã còn hạn chế.
Cùng ngày, Đoàn công tác Chính phủ cũng đã đi thăm công trình điện gió Bạc Liêu tại xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu), thăm xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) – xã đạt 15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()