Nhận lời mời của Chính phủ CH Séc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã thăm chính thức CH Séc từ ngày 16 đến 17-9. Trong thời gian chuyến thăm, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đến chào Tổng thống, hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Séc; gặp và làm việc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Quốc phòng Séc; tiếp thân mật Chủ tịch Đảng CS Séc và Mô-ra-va; thăm Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Séc.
Trong các cuộc gặp, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm bày tỏ vui mừng đến thăm CH Séc trong bối cảnh hai nước đang long trọng kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 – 2010); cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu, tình cảm đoàn kết gắn bó của nhân dân Séc dành cho Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, lâu đời giữa hai nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Séc kinh doanh tại Việt Nam.
Lãnh đạo Séc bày tỏ ngưỡng mộ những thành tựu phát triển Việt Nam đạt được trong những năm qua, nhất là mức tăng trưởng kinh tế khá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng nặng nề thời gian vừa qua; hoan nghênh và đánh giá cao vị thế quốc tế và khu vực ngày càng tăng của Việt Nam.
Hai bên đã tập trung thảo luận và đạt được sự nhất trí chung về những phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác nhiều mặt cùng có lợi giữa hai nước trong thời gian tới, nhất là về kinh tế – thương mại – đầu tư. Hai bên nhất trí duy trì thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và giữa các Bộ, ngành hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể. Hai bên cho rằng, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế; nhất trí cuộc họp lần hai của Ủy ban này (từ ngày 27 đến 29-9) sẽ tập trung trao đổi các biện pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nhanh việc triển khai các thỏa thuận hợp tác kinh tế đã ký kết, nhất là việc giải ngân nguồn vốn ODA của Séc cho Việt Nam và thực hiện một số dự án đầu tư trọng điểm của Séc trong lĩnh vực sản xuất xi-măng và hạ tầng cơ sở tại Việt Nam. Hai bên nhất trí sớm ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tài chính hai nước, cũng như Hiệp định hợp tác song phương trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Séc khẳng định, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, học sinh Việt Nam sang học tập trong các lĩnh vực Séc có thế mạnh; đề nghị Việt Nam hỗ trợ việc mở bộ môn đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại một số trường đại học của Séc. Hai bên thỏa thuận thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, phòng, chống tội phạm và di cư bất hợp pháp.
Lãnh đạo Séc đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Séc sinh sống, làm việc, học tập tuân thủ pháp luật và hòa nhập tốt với nước sở tại; đóng góp tích cực cho sự phát triển của Séc, cũng như là cầu nối hữu nghị quan trọng, lâu bền giữa hai nước, hai dân tộc. Cộng đồng đông đảo người Việt tại Việt Nam đã từng học tập, làm việc tại Séc, cùng với hơn 60 nghìn người Việt tại Séc là tài sản quý báu, cơ sở quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Hai bên đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; nhất trí tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại LHQ, ASEM, ASEAN-EU. Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, sẵn sàng là cầu nối cho Séc trong quan hệ với ASEAN. Séc cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hiệp châu Âu (EU).
Ý kiến ()