Phó Thủ tướng: Báo cáo của QH, Chính phủ sẽ tạo đồng thuận trong xã hội
Chính phủ mong muốn các báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách Nhà nước của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Quốc hội sẽ tạo ra đồng thuận, quyết tâm trong xã hội thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Ngày 15/10 tại phiên họp thứ 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ dự buổi thảo luận các báo cáo: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; Giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá các báo cáo thẩm tra của các Uỷ ban của Quốc hội đã đánh giá đúng tình hình kinh tế-xã hội, ghi nhận nỗ lực của các cấp ngành và thành quả khá toàn diện mà cả nước đạt được trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp, cải cách hành chính, hội nhập kinh tế quốc tế…
Đạt được những kết quả trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần phân tích, đánh giá rõ hơn về các nguyên nhân, trong đó có việc đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và công tác điều hành của Chính phủ.
“Qua tiếp xúc cử tri và thực tiễn triển khai, cử tri và Chính phủ đánh giá cao việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu hay việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng rất kịp thời, coi đây là điểm sáng của nhiệm kỳ này. Nhờ đó việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức ngân hàng diễn biến rất tốt”, Phó Thủ tướng nói.
Về công tác xây dựng pháp luật, Phó Thủ tướng cho rằng những năm gần đây, Bộ trưởng phải nghe, theo dõi thường xuyên và giải trình về công tác xây dựng pháp luật tại mỗi phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
“Hiện nay, Bộ trưởng lo “sốt vó”, tập trung trí tuệ, “lăn lộn” vào xây dựng luật nên chất lượng pháp luật tăng lên. Hay như Quốc hội cải tiến hình thức chất vấn cũng làm chúng tôi (Chính phủ-PV) phải chuẩn bị kỹ lưỡng để trả lời đầy đủ, chất lượng, đi thẳng vào vấn đề”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng cho rằng, báo cáo thẩm tra của Quốc hội cần nhấn mạnh việc cả nước thực hiện nhiệm vụ “kép” của giai đoạn này là vừa thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, vừa giải quyết khó khăn tích tụ từ trước. Thêm vào đó, điều kiện kinh tế-xã hội trong nước và thế giới luôn nảy sinh nhiều khó khăn mới. Chính phủ vừa giải quyết những tồn tại nhưng không thể làm phát sinh thêm những tồn tại mới là sức ép rất lớn hiện nay.
“Báo cáo của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban đã chỉ ra các yếu kém, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp thu để hoàn thiện, chỉnh sửa trên phương diện thể chế-chính sách và cả công tác thực thi”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.
Bày tỏ đồng tình với ý kiến phát biểu của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng cho rằng, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ sẽ phối hợp rà soát để các báo cáo “sát nhau” hơn nữa trong xác định các thành quả và yếu kém của nền kinh tế và công tác điều hành.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ trong việc thực hiện Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư, thực chất đây là lần đầu tiên cả nước thực hiện kế hoạch trung hạn nên còn có hạn chế. “Lẽ ra Kế hoạch này phải thông qua từ Quốc hội khoá XIII để triển khai từ đầu khoá XIV nhưng tới Kỳ họp thứ 2 của khoá XIV Quốc hội mới thông qua Kế hoạch. Như vậy cả nước đã mất đứt năm 2016 để triển khai, chỉ triển khai được gần 2 năm qua. Mặt khác, việc vướng mắc trong tổ chức thực hiện được chỉ ra là chính xác và có cả vướng mắc trong Nghị định của Chính phủ. Vừa qua, Chính phủ đã sửa 3 Nghị định số 77, 126 và 161 liên quan tới vấn đề này, đồng thời trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công. Nên cần phải nhìn nhận rõ ý này trong tình hình giải ngân”, Phó Thủ tướng nói.
Về kết quả thu chi ngân sách, Phó Thủ tướng cho rằng, báo cáo thẩm tra đánh giá thu ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên và trả nợ thôi là chưa chính xác. Theo Phó Thủ tướng, sau khi tính toán kỹ, hằng năm ngoài bội chi, thu sử dụng đất… thì năm 2016 Chính phủ tích luỹ đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, năm 2017 là 69.000 tỷ đồng, năm 2018 là 63.500 tỷ đồng, dự toán năm 2019 tích luỹ được 67.300 tỷ đồng cho đầu tư.
“Vậy nên nói thu ngân sách cơ bản đủ chi thường xuyên và trả nợ là hợp lý”, Phó Thủ tướng đề nghị. Bên cạnh đó, cơ cấu chi chuyển biến tích cực như chi thường xuyên đầu nhiệm kỳ chiếm 70% chi ngân sách thì nay kéo xuống còn 64%, là một thành tựu rất lớn phải nhấn mạnh trong báo cáo của Quốc hội.
Về cổ phần hoá, Phó Thủ tướng cho biết, nếu “chạy” theo số lượng thì dễ đi vào các sai phạm như trước đây, phải có thời gian vừa làm, vừa bịt kẽ hở chính sách về thẩm định giá trị doanh nghiệp, sắp xếp đất đai. Trước đây, các doanh nghiệp có giá trị tài sản 5.000 tỷ đồng thì kiểm toán phải vào để xác định lại giá trị doanh nghiệp thì nay doanh nghiệp Nhà nước có giá trị tài sản 1.500 tỷ đồng, kiểm toán cũng vào để tránh sai phạm, xác định không đúng giá trị doanh nghiệp gây thất thoát tài sản Nhà nước. Chưa kể sắp xếp đất đai các DNNN cũng phải làm kỹ, rà soát từng mét vuông đất không sử dụng để thu hồi… cũng mất khoảng 6 tháng nên quá trình cổ phần hoá chậm hơn. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng số tiền mà Nhà nước thu từ cổ phần hoá trong 3 năm vừa qua gấp 2,5 lần việc thực hiện cổ phần hoá của giai đoạn trước.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị cần đánh giá việc triển khai cổ phần hoá theo số lượng và tập trung làm rõ chất lượng của cổ phần hoá.
Về việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng cho biết, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 100 phê duyệt chủ trương đầu tư cho xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững vào tháng 11/2015, tới tháng 4/2016 Chính phủ của Quốc hội khoá XIV mới thành lập và tháng 8/2016 Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia. Như vậy, Chính phủ chỉ có 2 năm thực hiện. Tuy nhiên, các bộ, địa phương đã đạt được nhiều kết quả tốt với nhiều cách làm hay như triển khai xây dựng thôn, bản nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, nông thôn mới kiểu mẫu, nhân rộng được các mô hình sản xuất mới…, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống người dân ở khu vực nông thôn.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ hoàn thiện các báo cáo, bổ sung các kết quả cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, đánh giá kỹ hơn về bối cảnh thế giới ảnh hưởng tới kinh tế trong nước và các giải pháp của Chính phủ.
Phó Thủ tướng tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tạo ra đồng thuận, quyết tâm của xã hội để triển khai các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước tốt hơn vào năm 2019 cũng như kế hoạch 5 năm 2016-2021.
Ý kiến ()