Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam
Trong 638 nhà giáo đượ c công nhận phó giáo sư năm 2016, Trần Xuân Bách (32 tuổi), giảng viên Đại học Y Hà Nội là người trẻ nhất. “Đây là cột mốc quan trọng, niềm vinh dự to lớn với bản thân và gia đình. Thành quả này có công ơn dạy dỗ của thầy cô, sự giúp đỡ của đồng nghiệp, đặc biệt là môi trường khoa học tích cực mà tôi nhận được ở Đại học Y Hà Nội”, anh Bách chia sẻ.
Trần Xuân Bách, phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam tham gia Đoàn đại biểu lãnh đạo trẻ về Y tế thế giới tại trụ sở Liên Hợp Quốc (Geneva, Thụy Sĩ). |
Vốn là học sinh chuyên Toán – Tin của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trần Xuân Bách được gia đình định hướng theo ngành Kỹ thuật. Nhưng với tình yêu ngành y, anh chọn Đại học Y tế công cộng và say mê khám phá lĩnh vực liên ngành quan trọng trong hệ thống y tế. Năm 2006, anh trở thành thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của trường.
Trần Xuân Bách cho rằng đã rất may mắn khi được tham gia công tác tại Đại học Y Hà Nội – ngôi trường có bề dày lịch sử và môi trường nghiên cứu chuyên sâu. Tại đây, anh tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng.
Năm 2009, Trần Xuân Bách học tiến sĩ tại Đại học Alberta (Canada), chuyên ngành Kinh tế Y tế và Chính sách Y tế. Với số điểm trung bình 4.0/4.0, nghiên cứu sinh người Việt Nam mang về tấm bằng loại ưu, giành giải thưởng cho báo cáo nghiên cứu tiến sĩ xuất sắc nhất tại Hội nghị Khoa học Y tế công cộng INSIGHT, Đại học Alberta. Sau đó, anh tiếp tục học sau tiến sĩ tại đại học hàng đầu thế giới về Y tế công cộng – Johns Hopkins (Mỹ).
Các nghiên cứu của Trần Xuân Bách tập trung vào vấn đề kinh tế y tế và chính sách y tế. Anh cho biết, lý do chọn hướng đề tài này bởi nhận thấy vai trò của kinh tế y tế ngày càng cần thiết trong quá trình vận hành hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua nhiều sự chuyển đổi cùng một lúc về kinh tế – xã hội, mô hình bệnh tật với các thách thức mới về sức khỏe toàn cầu, cơ chế tài chính và viện trợ quốc tế…
Trọng tâm nghiên cứu là phát triển mô hình phân tích dự báo, kết hợp các phương pháp kinh tế lượng với đo lường dịch tễ học, nhằm xác định chương trình can thiệp và liệu pháp điều trị có tính chi phí – hiệu quả cao và các chiến lược nâng cao hiệu suất của hệ thống y tế. Anh cũng nghiên cứu, phân tích tác động của các chính sách y tế đối với sức khỏe quần thể, nguy cơ nghèo đói của hộ gia đình, xác định cơ chế, ngưỡng chi trả với một số dịch vụ y tế chuyên biệt, và các biện pháp thúc đẩy mở rộng bảo hiểm y tế trong nhóm dễ bị tổn thương.
Những vấn đề y tế bức xúc của xã hội trong từng giai đoạn như: HIV/AIDS, nghiện chất, vệ sinh an toàn thực phẩm, béo phì, phòng chống bệnh mạn tính… cũng được Trần Xuân Bách nghiên cứu và đưa ra giải pháp đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Trần Xuân Bách và các đồng nghiệp ở tổ chức Y tế thế giới. |
Năm 2015, Trần Xuân Bách được Trung tâm nghiên cứu AIDS, Đại học Johns Hopkins (Mỹ) trao giải thưởng Nghiên cứu quốc tế về lâm sàng và dự phòng. Anh sau đó trở thành phó giáo sư dự khuyết (Assistant Professor) kiêm nhiệm tại ngôi trường hàng đầu thế giới về Y tế công cộng. Anh tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên của Đại học Johns Hopkins, Đại học Texas at Houston (Mỹ), Đại học Kỹ thuật Queensland (Australia), Đại học Alberta (Canada).
Trước đó năm 2014, anh được chọn là lãnh đạo trẻ về Y tế khu vực châu Á của Hội đồng các Viện Hàn lâm quốc tế (IAP); tham gia giảng dạy chương trình lãnh đạo trẻ về y tế thế giới của Viện Hàn lâm Y học New York và Hội đồng các Viện hàn lâm quốc tế, chủ trì phiên họp về Lãnh đạo Y tế công cộng tương lai tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới tại Berlin (Đức) năm 2015. Mới đây, anh đại diện cho các lãnh đạo trẻ về Y tế thế giới của IAP tham dự Đại hội đồng Y tế thế giới của Liên Hợp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ).
“Trong thế giới học thuật, không có đường tắt và công việc nghiên cứu luôn đi kèm với rất nhiều khó khăn. Nhưng tôi coi đó là tất yếu, bản chất của phát triển và là động lực để sáng tạo, rèn luyện bản thân… Trong môi trường học tập với nhiều bạn bè quốc tế, lòng tự tôn dân tộc cũng là một đòn bẩy để tôi nỗ lực hơn”, phó giáo sư Trần Xuân Bách nói.
Anh nhớ lại những hôm 3-4h mới rời trường, một mình đi bộ về nhà dưới trời bão tuyết lạnh đến -45 độ C ở Canada. “Tôi vững bước nối tiếp con đường các thầy đã đi qua. Nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi phải phấn đấu và rèn luyện”, phó giáo sư trẻ tuổi nhất từ trước đến nay của ngành y Việt Nam nói và từ chối nhắc về những gian khổ mình trải qua.
Hiệu phó Đại học Y Hà Nội, GS.TS Nguyễn Hữu Tú nhận xét,Trần Xuân Bách là cán bộ trẻ có tâm huyết với nghề, được đào tạo bài bản, có khả năng nghiên cứu, hợp tác với đồng nghiệp quốc tế tốt. Anh cũng là giảng viên tích cực tham gia các hoạt động của trường.
Cựu sinh viên Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Phạm Thanh Tùng chia sẻ, thầy Bách rất nhiệt tình, luôn động viên và giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm, cải thiện hồ sơ du học. “Ai làm nghiên cứu ở trường đều biết thầy Bách vì có nhiều công bố quốc tế. Nhóm nghiên cứu do thầy phụ trách cũng hoạt động hiệu quả, có nhiều thành tích ở tầm quốc tế”, nghiên cứu sinh của Đại học Johns Hopkins nói.
Nói về thầy giáo Trần Xuân Bách, Vũ Bích Phương, lớp Y6B cho biết, sinh viên trường Y rất yêu quý thầy, bằng chứng thầy được bình chọn là giảng viên được yêu thích năm 2015. Thầy luôn có cách đặc biệt để tạo sự thu hút trong bài giảng, có phương pháp thú vị để sinh viên luôn muốn đến học. “Thầy cũng rất tâm lý khi làm việc cùng học viên, sinh viên khi nhìn ra được điểm mạnh của từng người để phát huy và tìm được các điểm yếu để khắc phục. Thầy đã tạo cảm hứng cho chúng em rất nhiều trên con đường khoa học và y học”, Phương nói .
Có một năm “không dám nghỉ ngơi, không dám ốm, không dám để những ý nghĩ tiêu cực trong đầu quá 5 phút” và kết quả đạt được là danh hiệu phó giáo sư, Trần Xuân Bách cho biết, sự tin tưởng và ủng hộ của các giáo sư trong hội đồng các cấp và lãnh đạo nhà trường là động lực mạnh mẽ, khích lệ to lớn để anh và cộng sự trẻ tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy.
Thông qua các dự án của mình, phó giáo sư mong muốn đào tạo các nghiên cứu viên trẻ, chuẩn bị cho họ kỹ năng học thuật cần thiết từ sớm, giúp làm quen với phương thức tư duy đa chiều trong nghiên cứu, cách cộng tác, phối hợp trong các nhóm làm việc liên ngành. Anh cũng kỳ vọng lan tỏa niềm đam mê để nhiều thanh niên trẻ dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, hoặc vận dụng sáng tạo trong việc trau dồi chuyên môn để vững vàng khởi nghiệp.
Một số giải thưởng của phó giáo sư Trần Xuân Bách: – Giải thưởng Nghiên cứu quốc tế về lâm sàng và dự phòng của Trung tâm nghiên cứu AIDS, Đại học Johns Hopkins, Mỹ, năm 2015. – Giải thưởng dành cho Báo cáo nghiên cứu tiến sĩ xuất sắc nhất tại Hội nghị Khoa học Y tế công cộng INSIGHT, Đại học Alberta, Canada năm 2010. – Giải thưởng của Alberta Innovates – Health Solutions (Training and Early Career Development Program), Canada, 2012. – Đã hướng dẫn một nghiên cứu sinh và 5 học viên cao học bảo vệ thành công tại Đại học Y Hà Nội, Đại học Texas tại Houston, Mỹ và Đại học Kỹ thuật Queensland, Australia. – Đã xuất bản hơn 60 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong hệ thống phân loại ISI. – Số sách đã xuất bản: 3 cuốn, trong đó 2 sách xuất bản bằng tiếng Anh. |
Ý kiến ()