Phố cổ ngân vang tiếng đàn xưa
Nằm ngay trong lòng khu phố cổ Hà Nội, Bá Phổ nhạc đường là nơi lưu giữ, quảng bá kho tàng nhạc cụ truyền thống phong phú của 54 dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một điểm hẹn văn hóa, nơi người dân Thủ đô và du khách được thưởng thức những chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc đặc sắc.
Được trưng bày trên tầng hai và ba của ngôi nhà cổ 56 phố Mã Mây, Hà Nội, Bá Phổ nhạc đường như một bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ và trưng bày hàng trăm nhạc cụ truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Đàn bầu, đàn tính, đàn nguyệt, đàn kìm, đàn T’rưng, đàn Ta-lư, sáo, trống, cồng, chiêng…, và cả đàn Lứu, đàn Cò Ke, sáo H’Mông, Kní, Goong Tre, Đinh-tút, đàn đá,… Chủ sở hữu bộ sưu tập đồ sộ, độc đáo này là nghệ sĩ Bá Phổ, người được mệnh danh là “vua đàn nguyệt” hay “vua nhạc cụ dân tộc Việt Nam”. Trò chuyện, được ông cho biết, ở đây có nhiều nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, Tây Bắc, Nam Bộ… Thậm chí, nhiều nhạc cụ đã thất lạc vẫn có thể tìm thấy ở không gian này.
Nghệ sĩ Bá Phổ năm nay ngoài 80 tuổi, vốn là nhạc công, nghệ sĩ đàn nguyệt. Ông gần như dành cả cuộc đời để nghiên cứu, phục chế, cải tiến nhạc cụ sao cho thuận tiện, phổ biến và dễ sử dụng. Trong những chuyến công tác, ông dày công tìm hiểu, sưu tầm nhạc cụ các vùng, miền; tìm kiếm được cả những loại nhạc cụ của các dân tộc ít người, vùng xa xôi hẻo lánh đã bị mai một, thất truyền. Có tiếng trong giới phục chế, cải tiến, cách tân nhạc cụ, nghệ sĩ Bá Phổ đồng thời có nhiều nỗ lực đưa nhạc cụ dân tộc đến gần hơn với công chúng. Ông không nhớ mình đã phục chế, cải tiến bao nhiêu loại nhạc cụ; nhiều loại đàn đã được cải tiến và sử dụng phổ biến hiện nay đều có dấu ấn của ông, như: đàn T’rưng, đàn đá, Gậy tiền… Cùng một số nghệ sĩ giai đoạn những năm 1960 đã tìm tòi, cải tiến nhiều loại đàn, ông dành bảy năm nghiên cứu để nâng cao thành công đàn T’rưng của dân tộc Tây Nguyên, được Hội đồng khoa học Âm nhạc quốc gia công nhận và cấp bằng cải tiến đàn T’rưng năm 1985. Từ năm 1969 – 1976, nghệ sĩ Bá Phổ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến hình dáng và tăng âm vực cho đàn T’rưng truyền thống Tây Nguyên. Từ cây đàn hình võng trước đây, ông tạo hình mới cho đàn với mái nhà rông đặc trưng của dân tộc Tây Nguyên, đưa đàn chỉ có năm âm thành 15 âm với 12 bán cung, có thể diễn tấu đa dạng các bản nhạc, giúp loại nhạc cụ này được phổ biến rộng rãi, trở nên gần gũi với mọi người. Một dấu ấn nữa trong quá trình phục chế nhạc cụ của nghệ sĩ Bá Phổ là cải tiến bộ đàn đá – loại nhạc cụ cổ nhất Việt Nam. Trải qua quá trình nghiên cứu, mày mò, thẩm âm đầy gian nan, vất vả, ông đã giúp cho bộ đàn đá nguyên thủy trở nên dễ dàng vận chuyển hơn, định âm chuẩn, rõ nét các nốt theo giai điệu của người chơi nhạc. Thực tế cho thấy, các loại nhạc cụ nghệ sĩ Bá Phổ cải tiến đều có thể sử dụng để chơi được các bản nhạc hiện đại, nhạc trẻ và nhạc quốc tế; gây không ít sự ngạc nhiên, hào hứng cho người nghe và thu hút cả giới trẻ.
…Đến không gian âm nhạc truyền thống đặc sắc
Nặng lòng với nghệ thuật truyền thống, dành gần trọn cuộc đời cho âm nhạc cổ truyền, nghệ sĩ Bá Phổ cùng vợ là NSƯT Mai Liên (từng công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) và con trai là nghệ sĩ Bá Nha thành lập Ban nhạc gia đình Bá Phổ từ năm 1987, chơi và biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống. Các thành viên trong ban nhạc có thể sử dụng nhiều nhạc cụ khác nhau; riêng nghệ sĩ Bá Phổ sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ trưng bày tại đây. Bên cạnh đó, ông còn dành thời gian sáng tác giai điệu cho từng loại như đàn đáy, đàn tính, nhị… Ban nhạc gia đình ông từng lưu diễn rất nhiều quốc gia, biểu diễn những bản nhạc do ông sáng tác, như: Bình minh trên cao nguyên (đàn T’rưng), Sống tự do (đàn Goong Tre), Rừng chiều (đàn K’long Put), Ngày mùa (đàn Lứu)…
Năm 2019, không gian Bá Phổ nhạc đường ra đời, vừa là địa điểm trưng bày kho tàng nhạc cụ dân tộc, vừa là nơi ông muốn giới thiệu đến công chúng, du khách âm nhạc truyền thống phong phú của Việt Nam. Dù mới chuyển địa điểm đến phố cổ Mã Mây một thời gian, nhưng không gian âm nhạc này đã trở thành một điểm hẹn thú vị, quen thuộc dành cho những người yêu thích âm nhạc dân tộc mỗi tối thứ bảy hằng tuần; đồng thời giúp cho việc quảng bá kho tàng nhạc cụ đa dạng, đậm đà bản sắc của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Giữa không gian phố cổ náo nhiệt, tiếng đàn tính, đàn T’rưng rộn ràng ngay tại tầng một của ngôi nhà cổ – không gian dành cho biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật truyền thống – nhanh chóng gây chú ý và thu hút du khách. Khách đến Bá Phổ nhạc đường được tham quan, tìm hiểu nhạc cụ, thưởng thức âm nhạc do các thành viên trong ban nhạc biểu diễn, lại được nghe nghệ sĩ Bá Phổ trực tiếp diễn giải nguồn gốc, kết cấu, đặc trưng, chức năng của từng loại nhạc cụ, từ đó hiểu rõ từng loại, cảm nhận được cái hay và thêm yêu mến âm nhạc truyền thống Việt Nam. Cùng nhóm bạn trẻ lần đầu đến tham quan Bá Phổ nhạc đường, được nghe đích thân chủ nhân biểu diễn bài sáo Pí thiu gọi bạn của người dân tộc thiểu số phía bắc bằng mũi, bạn Nguyễn Quang Minh (quận Long Biên, Hà Nội) ngạc nhiên cho biết: “Trong những chuyến tham quan Tây Bắc, tôi từng được nghe các chàng trai người Thái thổi sáo Pí thiu để giao duyên với các thiếu nữ vùng cao; nhưng thay vì nghe nhiều người thổi bằng lưỡi gà hay vỗ bằng hơi tay, nay mới được nghe nghệ sĩ Bá Phổ trình diễn màn sáo mũi với giai điệu du dương, tha thiết ngay giữa lòng Hà Nội. Trải nghiệm này thật bất ngờ”.
Sau những màn trình diễn, khi giao lưu, chia sẻ với khán giả, ông cho biết, với mình, nhạc cụ nào cũng quý bởi mỗi loại là đại diện, đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc; chứa đựng rất nhiều ý nghĩa về giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán của dân tộc đó. Văn hóa truyền thống có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp con người sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội hơn, đặc biệt khi nghe âm nhạc truyền thống sẽ luôn được nhắc nhớ về cội nguồn. Chính vì vậy, tâm nguyện và mong muốn của ông cũng như gia đình, là Bá Phổ nhạc đường không chỉ là không gian âm nhạc, địa điểm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy nghệ thuật cổ truyền Việt Nam mà còn góp phần khơi gợi lòng tự hào dân tộc; là cầu nối lưu giữ, trao truyền để thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ, phát huy vốn văn hóa truyền thống dân tộc cho mai sau.
Trong cuộc sống và thị trường âm nhạc hiện nay, khi các thể loại nhạc hiện đại đang thịnh hành, được giới trẻ ưa chuộng, thì không gian Bá Phổ nhạc đường với những nhạc cụ truyền thống độc đáo này như một điểm nhấn khác biệt; tấm lòng và sự cống hiến của những người nghệ sĩ trong ban nhạc Bá Phổ thật đáng trân trọng. Không gian này cần được lưu giữ, phát triển và quảng bá rộng rãi để tiếp tục là một địa chỉ hữu ích, thú vị cho những người yêu nghệ thuật dân tộc nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.
Ý kiến ()