Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dự đêm giao lưu nghệ thuật "Lời thề La Tiến"
Nhân kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh (1831 - 2016), 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (1941 - 2016) và 20 năm tái lập tỉnh (1/1997 - 1/2017), tối 10/12, tại Di tích lịch sử Quốc gia cây đa và đền La Tiến thuộc xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên) đã diễn ra đêm giao lưu nghệ thuật "Lời thề La Tiến".
Tới dự có đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng bộ Công an cùng lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên và các tầng lớp nhân dân.
Tại buổi giao lưu, các nhân chứng lịch sử và khách mời đã ôn lại trang sử hào hùng của quân và dân Hưng Yên trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, những chiến công oanh liệt và những hy sinh của đất và người Hưng Yên đã viết lên bản anh hùng ca về cuộc chiến tranh nhân dân. Chương trình giao lưu nghệ thuật còn mang đến cho người xem những thước phim lịch sử giá trị, những màn biểu diễn sinh động, giàu cảm xúc tái hiện lại những năm tháng hào hùng của lịch sử đấu tranh cứu nước của dân tộc.
Cây đa và đền La Tiến là chứng tích lịch sử đánh dấu những chiến công oanh liệt của nhân dân Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tại đây có bốt La Tiến, phía trước là dòng sông Luộc và bến phà nối giữa hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Trong thời gian thực dân Pháp thực hiện kế hoạch bình định đồng bằng Bắc Bộ, La Tiến là nơi có vị trí chiến lược trọng yếu về quân sự, với hệ thống giao thông thuỷ, bộ rất thuận lợi cho việc chuyển quân, vận chuyển lương thực, thực phẩm chi viện cho khu vực tả ngạn sông Luộc. Vì vậy, thực dân Pháp đã lấy La Tiến là vị trí chiếm đóng, lập bốt, án ngữ nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, súng đạn, lương thực, thực phẩm từ các vùng lân cận và đàn áp phong trào cách mạng của quân dân Phù Cừ và tỉnh Hưng Yên.
Tại đây trong 4 năm chiếm đóng (từ năm 1949 – 1954), thực dân Pháp giết hại, tra tấn dã man 1.145 chiến sỹ cách mạng, đồng chí và đồng bào ta bằng những hình thức thời trung cổ như: treo người lên cây đa cắt tiết, mổ bụng, moi gan, dùng kìm nhổ móng tay, chặt tay, chặt chân làm đau đớn đến tột cùng rồi mới giết và thả xác trôi sông. Trước tội ác man rợ của kẻ thù, bộ đội chủ lực đã phối hợp với quân dân Phù Cừ quyết tâm chiến đấu tiêu diệt bốt La Tiến, giải phóng quê hương. Cũng tại khu bốt này trong khói lửa của chiến tranh, cây đa La Tiến dù bị giặc Pháp đánh phá ác liệt vẫn hiên ngang vươn mình tỏa bóng. Tồn tại đến hôm nay, cây đa La Tiến đã cao gần 30m, đường kính thân và gốc cây rộng 5m, tán rộng khoảng 50m che bóng cho ngôi đền thêm linh thiêng và cổ kính. Với vùng đất Hưng Yên, cây đa La Tiến đã trở thành biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường của người dân Hưng Yên, dù phải chứng kiến nhiều mất mát, đau thương nhưng luôn khát khao vì một nền độc lập, tự do dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên đề nghị các cấp, các ngành và nhân dân tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử của di tích cây đa và đền La Tiến, nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân trước đồng chí, đồng bào đã anh dũng quên mình vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt việc tu bổ, tôn tạo di tích Cây Đa và đền La Tiến mãi là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta, là địa chỉ đỏ nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông trong chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()