Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự Lễ hội Thánh Quý Minh đại vương
Ngày 27/4 (tức ngày 18 tháng 3 âm lịch), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã về dự Lễ hội truyền thống Thánh Quý Minh đại vương, một trong số những vị thần được người dân thờ phụng theo tín ngưỡng dân gian tại đền Trần (hay còn gọi là đền Nội Lâm), một trong những tứ trấn của kinh đô Hoa Lư xưa, nay thuộc Khu Du lịch tâm linh Tràng An - Bái Đính (tỉnh Ninh Bình).
Ngày 27/4 (tức ngày 18 tháng 3 âm lịch), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã về dự Lễ hội truyền thống Thánh Quý Minh đại vương, một trong số những vị thần được người dân thờ phụng theo tín ngưỡng dân gian tại đền Trần (hay còn gọi là đền Nội Lâm), một trong những tứ trấn của kinh đô Hoa Lư xưa, nay thuộc Khu Du lịch tâm linh Tràng An – Bái Đính (tỉnh Ninh Bình).
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự lễ rước bài vị Thánh Quý Minh |
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã thỉnh chuông khai hội, cùng các đại biểu, đông đảo du khách trong nước, quốc tế tham gia nghi lễ tế thần, rước nước, thả cá phóng sinh và dâng hương tại đền Trần, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Lễ hội được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ, tri ân đức Thánh Quý Minh đại vương, người đã có công trong sự nghiệp gìn giữ nước nhà của dân tộc. Theo truyền thuyết dân gian, Ngài là một trong ba anh em, ba vị tướng đã được phong Thánh gồm đức Thánh Tản Viên, đức Thánh Cao Sơn, đức Thánh Quý Minh, những người có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18). Ngài là một “thượng đẳng thần”, được các triều vua qua nhiều triều đại ban chiếu sắc phong, nhân dân khắp nơi thờ phụng.
Ở tỉnh Ninh Bình, đức Thánh Quý Minh đại vương được thờ tại đình làng Sinh Dược (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn), ở núi Cánh Diều (thành phố Ninh Bình), núi Thiện Dưỡng, đền Kê Thượng (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư)… Đền Trần, nơi thờ đức Thánh Quý Minh đại vương nằm giữa một vùng sơn thủy hữu tình, được vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng vào thế kỷ thứ X. Đây từng là nơi vua Trần Thái Tông sau khi dẹp loạn giặc Mông xâm lược đã vào tu hành. Ngôi đền cũ bằng gỗ ban đầu đã đổ nát, nhà Trần xây dựng lại bằng đá, trang trí hoa văn độc đáo, từ đó người dân địa phương quen gọi là đền Trần. Ở khu vực này, các chuyên gia của trường đại học Kemrit, Vương Quốc Anh đã phát hiện nhiều di vật chứng minh đây còn là một trong những cái nôi của loài người.
Hơn 1.000 chiếc thuyền đã đưa du khách dự hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của “vịnh Hạ Long trên cạn” nên thơ, trữ tình với những thung nước trong xanh, hệ thống hang động, thung nước liên hoàn với lớp lớp nhũ đá lung linh kỳ ảo. Quần thể danh thắng Tràng An núi non tứ bề hùng vĩ soi bóng xuống làn nước phẳng lặng, thấp thoáng những đền đài, miếu mạo rêu phong, cổ kính, nơi từng là chỗ tích trữ lương thảo và tập rèn binh sỹ của triều đại nhà Đinh (thế kỷ thứ X), in đậm dấu ấn một thời của kinh đô Hoa Lư lịch sử.
Năm nay, Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, các cơ quan chức năng địa phương đã hoàn thiện, đưa bến xe khách vào sử dụng; tăng cường nhân viên bán vé tham quan, sắp xếp đò tránh tình trạng lộn xộn; tổ chức phân lô, quy hoạch lại khu vực bán đồ lưu niệm theo trình tự; tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông, bảo vệ, nhân viên vệ sinh để điều tiết giao thông, sắp xếp xe, thu gom rác thải và xử lý các trường hợp bán hàng rong sai quy định, chèo kéo, nhũng nhiễu khách, đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân, du khách tham quan, vui hội.
Dangcongsan
Ý kiến ()