Tối 5-5, tại TP I-xtan-bun, Thổ Nhĩ Kỳ, đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao (HNCC) phụ nữ toàn cầu lần thứ 21. Gần 1.500 phụ nữ là chính trị gia, phu nhân các nguyên thủ quốc gia, nữ doanh nhân và các nhà lãnh đạo chính phủ của hơn 80 quốc gia trên thế giới tham gia hội nghị. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm Trưởng đoàn cùng hơn 50 đại biểu nữ tiêu biểu dự các phiên họp chính thức của hội nghị.Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện ngày càng nhiều vấn đề thách thức toàn cầu như khan hiếm năng lượng, lương thực, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu..., hội nghị lần này là cơ hội để các đại biểu thảo luận và đề ra các biện pháp phát huy và nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc giải quyết những thách thức trên. Từ những kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam và trên cơ sở...
Tối 5-5, tại TP I-xtan-bun, Thổ Nhĩ Kỳ, đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao (HNCC) phụ nữ toàn cầu lần thứ 21. Gần 1.500 phụ nữ là chính trị gia, phu nhân các nguyên thủ quốc gia, nữ doanh nhân và các nhà lãnh đạo chính phủ của hơn 80 quốc gia trên thế giới tham gia hội nghị. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm Trưởng đoàn cùng hơn 50 đại biểu nữ tiêu biểu dự các phiên họp chính thức của hội nghị.
Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện ngày càng nhiều vấn đề thách thức toàn cầu như khan hiếm năng lượng, lương thực, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu…, hội nghị lần này là cơ hội để các đại biểu thảo luận và đề ra các biện pháp phát huy và nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc giải quyết những thách thức trên. Từ những kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam và trên cơ sở mục tiêu hội nghị, Phó Chủ tịch nước đề nghị các quốc gia, các tổ chức quốc tế cần có sự nhìn nhận thích đáng đối với vai trò của phụ nữ, tạo mọi điều kiện để phụ nữ được tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội, trong đó có việc quản lý nhà nước, doanh nghiệp. HNCC phụ nữ toàn cầu cũng cần tăng cường tiếng nói tư vấn cho các tổ chức quốc tế, đề xuất giải pháp cho các chính phủ nhằm phát huy vai trò và khả năng của phụ nữ trong việc giải quyết vấn đề chung của toàn xã hội.
Tại phiên khai mạc, bà I-ren Na-ti-vi-đát, Chủ tịch HNCC phụ nữ toàn cầu khẳng định, diễn đàn này ngày càng có vị thế quan trọng, là cầu nối cho phụ nữ trên khắp thế giới liên kết nhau để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, nhất là những phụ nữ ở các quốc gia kém phát triển, những nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương; kêu gọi phụ nữ trên thế giới nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực đưa ra các sáng kiến mới, ý tưởng mới để có thể tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Nhân dịp này, bà I-ren Na-ti-vi-đát cũng đề nghị các quốc gia, các chính phủ tạo điều kiện, trao quyền để phụ nữ có cơ hội nâng cao vị thế của mình, được cống hiến nhiều hơn nữa vào sự phát triển của xã hội, vì một thế giới công bằng và văn minh.
Trong thời gian ba ngày hội nghị, các đại biểu thảo luận các vấn đề: Tăng trưởng kinh tế khu vực toàn cầu; phát triển kinh doanh có sử dụng công nghệ; các chính sách đẩy mạnh đời sống kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy cơ hội làm ăn kinh tế cho phụ nữ; giao thương với Thổ Nhĩ Kỳ; nguồn nước – một loại 'dầu khí' của thế kỷ 21 và phụ nữ.
* Bên lề HNCC phụ nữ toàn cầu lần thứ 21, ngày 5-5, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tiếp bà Pắc Hi Dâng, Bộ trưởng Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc. Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Pắc Hi Dâng cùng nhau trao đổi ý kiến các chủ đề mà đoàn đại biểu phụ nữ Việt Nam và Hàn Quốc cùng quan tâm đóng góp vào nội dung của hội nghị, đồng thời thảo luận những vấn đề liên quan phụ nữ của hai nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()