Phó Chủ tịch Hội đồng châu Âu EC Josep Borell hội kiến Chủ tịch nước Tô Lâm
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, sáng 30/7, Phó Chủ tịch Hội đồng châu Âu EC Josep Borell có cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Tô Lâm.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), Đại diện cấp cao Liên minh Châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell Fontelles thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29-31/7.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, sáng 30/7, Phó Chủ tịch Hội đồng châu Âu EC Josep Borell có cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Tô Lâm. Cùng ngày, ông Josep Borell dự kiến có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các hoạt động song phương và bên lề khác.
Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11/1990. Năm 1996, EU mở Phái đoàn Đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) tại Việt Nam.
Kể từ đó, hai bên đã ký Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU (có hiệu lực từ 01/10/2016) - đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – EU, tạo cơ sở pháp lý đưa hợp tác hai bên sang một giai đoạn mới với phạm vi rộng lớn và mức độ hợp tác sâu sắc hơn.
Các chuyến trao đổi đoàn cấp cao tiếp tục được duy trì, trong đó Phó Chủ tịch điều hành EU Valdis Dombrovski thăm Việt Nam vào tháng 11/2023; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 24 và Diễn đàn Bộ trưởng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần thứ 3 tại Brussels vào tháng 2/2024.
Về thương mại Việt Nam - EU, năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 58,5 tỷ USD, giảm 5,8% so với năm 2022 do kinh tế EU gặp khó khăn; tuy nhiên, kim ngạch 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận kết quả tích cực, đạt 24,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
EU hiện là đối tác kinh tế - phát triển quan trọng của Việt Nam, là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất, đối tác thương mại lớn thứ 52, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ), thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan).
Hai bên kí Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020, Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA đang trong quá trình phê chuẩn.
Tính đến 20/5, tổng FDI của EU tại Việt Nam đạt 29,88 tỷ USD (không tính đầu tư qua bên thứ 3). EU đứng thứ 5/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Về đầu tư của Việt Nam sang EU, tính lũy kế đến tháng 12/2021, Việt Nam đã có 98 dự án đầu tư sang các nước EU với tổng vốn đăng ký 434,88 triệu USD.
Ngày 23/10/2017, EC chính thức đưa ra cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam do các nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Hàng năm EC tổ chức đoàn thanh tra đến Việt Nam để xem xét các hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp; đồng thời hai bên cũng đã tổ chức họp trực tuyến (2020, 2021) để trao đổi, cập nhật tình hình. EU cam kết tiếp tục xem xét việc gỡ “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam; dự kiến sẽ cử Đoàn thanh tra lần 5 sang Việt Nam trong tháng 10/2024.
Ý kiến ()