Chủ nhật, 24/11/2024 11:09 [(GMT +7)]
Phổ cập giáo dục xóa mù chữ: Cách làm ở Hữu Lũng
Thứ 4, 02/03/2011 | 09:35:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong những năm qua, công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ của huyện Hữu Lũng được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đến các tầng lớp nhân dân và các tổ chức xã hội. Huyện Hữu Lũng được UBND tỉnh công nhận phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ từ năm 1997, đến nay vẫn duy trì và đạt được kết quả đáng khích lệ.
Học sinh Trường Tiểu học Yên Sơn huyện Hữu Lũng trong giờ ra chơi |
Từ thực tiễn đến hành động cụ thể
Tính đến đầu năm 2010, số người mù chữ trong toàn huyện ở độ tuổi từ 15 – 25 chiếm 6,9%, độ tuổi từ 26 – 35 chiếm 1,3%, số trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 14 bỏ học, chưa hoàn thành chương trình lớp 3 có 9 người. Với ý nghĩa để những người mù chữ có khả năng nhận biết những kiến thức cơ bản phục vụ sinh hoạt hàng ngày, biết làm việc để cuộc sống đỡ vất vả, trở nên tốt đẹp hơn, trong thời gian từ tháng 2 – 9/2010, Phòng GD&ĐT huyện đã tổ chức 6 lớp xóa mù chữ cho 111 học viên trong độ tuổi từ 15 – 25 và 25 – 36 của các xã Quyết Thắng, Tân Thành, Thiện Kỵ, Đô Lương với 8 giáo viên được huy động, chủ yếu là người địa phương, có khả năng hiểu tâm tư, nguyện vọng của học viên, nhiệt tình với công việc và có chuyên môn cao. Để triển khai mở lớp, Phòng GD&ĐT huyện đã có kế hoạch cụ thể. Theo đó, phòng đã triển khai kế hoạch của UBND tỉnh, UBND huyện; quyết định, hướng dẫn của Sở GD&ĐT… rồi thành lập Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục xóa mù chữ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, xây dựng kế hoạch chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện mục tiêu với những biện pháp cụ thể.
Còn đó những gian nan
Với địa bàn rộng, dân cư lại không tập trung, giao thông chưa được thuận lợi, cơ sở vật chất còn nhiều bất cập nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tổ chức lớp và huy động học viên đến lớp. Tuy là một chủ trương tốt và đúng đắn, nhưng không phải ai cũng hiểu và để vận động những người là đối tượng xóa mù chữ đến lớp đòi hỏi sự kiên trì. Chị Phan Thị Toán, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện tâm sự: Chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, trưởng các thôn đặt địa điểm mở lớp, bảo vệ, ban giám hiệu các trường tiểu học và các giáo viên phụ trách lớp đến từng nhà vận động, thuyết phục người học. Đây là khâu khó khăn và mất nhiều thời gian, công sức nhất. Người thì mặc cảm, người thì cho rằng lâu nay không biết chữ họ vẫn sống được, bây giờ già rồi, đi học lại như con trẻ không muốn, trong khi nhà còn lắm việc cần người giúp.
Đã thế, phần lớn học viên đang trong độ tuổi lao động, có những người là lao động chính của cả nhà nên không thể nghỉ để đi học được, có người thì nuôi con nhỏ hoặc đi làm ăn xa. Vì vậy ngoài việc tổ chức lớp học vào buổi tối, các giáo viên còn linh hoạt tổ chức học nhờ nhà dân hoặc nhà văn hóa thôn để người dân tiện đi lại. Chị Hà Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiện Kỵ cho biết, mỗi học viên theo học có hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có điểm chung là chưa biết chữ. Chính vì thế, giáo viên đứng lớp vừa phải là người bạn, người chị, người em vừa là cô giáo và quan trọng là phải có “nghệ thuật thu hút” mới được. Ví như, nhiều khi phải đến từng nhà gọi từng người, rục rịch cả tiếng mới bắt đầu ổn định lớp. Nhưng đâu phải đã học được ngay, mà có khi phải tạo được không khí thoải mái, tự nhiên nhất, rồi làm công tác tư tưởng như trao đổi công việc hàng ngày từ đó mới dần đi vào bài học. Phần lớn học viên tiếp thu chưa nhanh, thời gian học lại gián đoạn và ít có thời gian ôn tập nên công tác xóa mù chữ gặp không ít khó khăn. Khắc phục khó khăn trước mắt, đến nay, trong những xã tổ chức lớp học, Thiện Kỵ đã hoàn thành xong 1 lớp với 10 học viên. Qua lớp học, đã trang bị cho các học viên kiến thức cơ bản của chương trình lớp 3, biết đọc thông, viết thạo, biết nắm bắt nhanh nhạy vấn đề để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện chủ quan và khách quan đem lại nhưng với những cố gắng của ngành, công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ ở Hữu Lũng đã có những kết quả khả quan. Đến nay, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 – 35 đạt 99,2%; từ 36 tuổi trở lên đạt 86,4%. Song để công tác xóa mù chữ của huyện được duy trì và đạt được kết quả bền vững đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể; người dân hiểu và tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác điều tra, ủng hộ việc huy động học viên đến lớp; đầu tư cơ sở vật chất của nhiều đơn vị trường cũng như kinh phí dành cho hoạt động dạy và học… để đạt được phương châm “biết chữ để cuộc sống tốt đẹp hơn”, góp phần vào sự nghiệp xã hội hóa giáo dục của huyện.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()