Thứ 4, 27/11/2024 23:36 [(GMT +7)]
Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi- khó khăn và giải pháp
Thứ 2, 19/09/2011 | 10:46:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 14/7/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bằng nỗ lực cao, đến năm 2008, toàn tỉnh đã được công nhận phổ cập Giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (GDTHĐĐT) với 209/226 đơn vị xã, phường, thị trấn và 9 huyện, thành phố được công nhận. Tuy nhiên chất lượng chuẩn vẫn còn nhiều hạn chế…
Học sinh tiểu học xã vùng cao Công Sơn, huyện Cao Lộc trên đường tới trường |
Sau 2 năm phấn đấu với nhiều cố gắng và giải pháp linh hoạt, đến cuối tháng 12/2010, toàn tỉnh đã có 221/226 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn, tỷ lệ 97,7%, trong đó có 31% đơn vị đạt chuẩn mức độ 2; tất cả 11 huyện, thành phố được công nhận chuẩn. Tỷ lệ trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học tăng từ 66,64% năm 2000 lên 91,67% năm 2010. Tỷ lệ chung của toàn tỉnh là vậy, song xét thực trạng giáo dục tiểu học ở các xã vùng cao, vùng xa, vùng ĐBKK, công tác duy trì chưa thực sự bền vững.
Theo thống kê của ngành, năm 2010 toàn tỉnh còn 6 xã có số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt dưới 80% như Công Sơn, Mẫu Sơn (Cao Lộc)Ái Quốc (Lộc Bình) Đồng Thắng (Đình Lập) Tân Tiến (Tràng Định) và Vĩnh Yên (Bình Gia). Đặc biệt vẫn còn 3 xã đạt dưới 50% như Công Sơn 48,6%, Mẫu Sơn 42,9% và Vĩnh Yên 41,7%. Và theo dự báo, nếu hằng năm số học sinh được chuyển lớp 100% thì cuối năm 2011 sẽ có 13 xã, cuối năm 2012 sẽ có 15 xã “mất chuẩn”.
Nguyên nhân chủ yếu ở những địa phương này là việc xây dựng môi trường GD, phong trào “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” còn yếu. Các nhà trường và đội ngũ GV chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp từ sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân để cùng với GD tạo phong trào đến trường của các em.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, chưa tạo sức hút để các em và gia đình khắc phục những khó khăn khách quan về địa hình, điều kiện kinh tế để đến trường. Vì vậy tỷ lệ huy động còn thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao, chậm đạt chuẩn so với yêu cầu đề ra hoặc kết quả phổ cập chưa vững chắc. Nguy cơ “mất chuẩn” ảnh hưởng đến công tác nâng cao dân trí và bồi dưỡng nguồn nhân lực ở các địa phương, trước hết là việc duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập ở cấp THCS.
Trước tình hình đó, ngày 31/3/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 05-NQ/TU về nâng cao kết quả phổ cập GD và xây dựng trường học đạt chuẩn QG giai đoạn 2011-2015. Triển khai Nghị quyết này, ngành GD đã tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, triển khai, xây dựng kế hoạch duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ đối với 100% đơn vị cấp xã, phấn đấu nâng tỷ lệ công dân trong độ tuổi cũng như ngoài tuổi 35 biết chữ.
Trên cơ sở đó, duy trì vững chắc kết quả phổ cập đúng độ tuổi, phấn đấu đến hết năm 2012 có 100% đơn vị xã đạt chuẩn và đến 2015 có trên 50% số đơn vị đạt chuẩn mức độ 2. Trên cơ sở đó, ngành chỉ đạo các phòng GD xác định rõ chuẩn phổ cập GDTHĐĐT của huyện mình đến năm 2015, xác định danh sách các đơn vị đạt chuẩn mức độ 2. Triển khai nhanh đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, coi đây là giải pháp tích cực nhất để nâng cao chất lượng GDTH, đảm bảo chất lượng GDTHĐĐT.
Trên thực tế, những đơn vị có nguy cơ “mất chuẩn” đều nằm tại các xã vùng cao, vùng xa, vùng dân tộc và vùng ĐBKK. Vì vậy triển khai nhanh việc chuyển đổi loại hình từ các trường THCS, PTCS và tiểu học ở vùng này sang loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú sẽ là “cứu cánh” cho việc nâng dần chất lượng chuẩn phổ cập GDTHĐĐT và giáo dục THCS. Vì khi ấy các chính sách hỗ trợ của trung ương và địa phương sẽ có tác dụng trực tiếp đến việc sinh hoạt học tập của học sinh, việc đầu tư CSVC khang trang sẽ có tác dụng thu hút các em đến trường, nâng cao tỷ lệ học sinh chuyên cần, chống lưu ban bỏ học.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()