Phổ cập giáo dục mầm non ở Đình Lập: Bứt phá trong tư duy và hành động
Kiện toàn người dạy, tăng tỷ lệ huy động
Từ tháng 5/2012, xã Bắc Xa- xã khó khăn nhất vào nhóm các xã đầu tiên trong toàn tỉnh hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi đã tạo cho Đình Lập một niềm tin: việc phổ cập có thể làm được và làm với chất lượng cao. Từ kinh nghiệm của Bắc Xa, ban chỉ đạo phổ cập, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Đình Lập đã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tập trung cho công tác quan trọng này.
Giờ hoạt động ngoài trời của các cháu Trường Mầm non xã Thái Bình (Đình Lập)
Trước hết, ngành GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện tiến hành tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, nhân viên; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ. Giáo viên, nhân viên hợp đồng ngắn hạn được hưởng chế độ chính sách như hưởng lương theo hệ số, chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút… Đồng chí Hoàng Xuân Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Do thực hiện tốt chế độ cho giáo viên hợp đồng, hằng năm có rất nhiều hồ sơ xin việc nên Đình Lập không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên MN”. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền từ thôn đến xã rà soát số lượng học sinh 3-5 tuổi được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa, miễn giảm học phí, không để sót, lọt, để người dân yên tâm đưa con tới trường. Chính thực hiện tốt chế độ đối với người dạy, người phục vụ và người học đã tạo động lực cho ngành học MN phát triển. Nếu năm học 2010-2011, tỷ lệ huy động tuổi nhà trẻ đạt 42,7%, mẫu giáo đạt 91,98%, thì năm học 2014-2015, tỷ lệ huy động tuổi nhà trẻ đã đạt 51,7%- cao nhất trong toàn tỉnh, tỷ lệ huy động độ tuổi mẫu giáo đạt 97,8%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 100%.
Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chăm sóc
Thực hiện quy hoạch đất tại tất cả các điểm trường đã tạo điều kiện cho đầu tư xây dựng phòng học. Từ năm 2012 đến nay, Đình Lập đã xây dựng thêm 29 phòng học mới với tổng kinh phí trên 16,5 tỷ đồng, đưa tổng số phòng học mầm non lên 154 phòng, trong đó có 51 phòng kiên cố, 19 phòng bán kiên cố, 14 phòng học tạm và 70 phòng học nhờ cấp học khác. Bổ sung, kiện toàn các công trình phụ trợ như: nước sạch, nhà vệ sinh, hàng rào, đảm bảo trường lớp sạch, đẹp, an toàn. Đồ dùng, đồ chơi được hình thành từ các nguồn ngân sách mua sắm, tài trợ của các cơ quan, đơn vị và sự đóng góp của người dân. Đến nay đã có 57/57 lớp MN 5 tuổi có đủ đồ dùng, đồ chơi theo quy định.
Từ nguồn xã hội hóa, số trường, số lớp bán trú và 2 buổi/ngày tăng cao. Nếu năm học 2010-2011, tỷ lệ bán trú- 2 buổi/ngày độ tuổi nhà trẻ đạt 84,9%, độ tuổi mẫu giáo đạt 71,8%; thì đến năm học 2014-2015, tỷ lệ bán trú-2 buổi/ngày ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo đều đạt 100%. Chất lượng chăm sóc và nuôi dạy được nâng lên. Năm học 2014-2015, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân độ tuổi nhà trẻ chỉ ở mức 6,11%, độ tuổi mẫu giáo là 3,91%; tỷ lệ SDD thể thấp còi ở độ tuổi nhà trẻ là 7,3%, độ tuổi mẫu giáo là 3,47% (trẻ 5 tuổi là 2,6%).
Đạt phổ cập với chất lượng cao
Thực hiện chủ trương “Dồn sức cho phổ cập GDMN”, với sự nỗ lực của toàn huyện, đến tháng 9/2015, tất cả 12 đơn vị xã, thị trấn đã hoàn thành phổ cập. Trong đó, các tiêu chuẩn phổ cập như: phòng học, thiết bị, đội ngũ giáo viên và tiêu chuẩn trẻ em đều đạt theo quy định. Trong đó, tiêu chuẩn trẻ em đạt rất cao như huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp; tỷ lệ bán trú- 2 buổi/ngày, trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN đều đạt 100%; tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt 98,8%.
Tháng 10/2015, Sở GD&ĐT đã thành lập đoàn kiểm tra phổ cập tại địa phương. Qua công tác kiểm tra, ngành GD&ĐT Lạng Sơn nhất trí đánh giá huyện Đình Lập hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Đình Lập là huyện đất rộng, người thưa, có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống; tỷ lệ hộ nghèo là 34,79% và tỷ lệ cận nghèo là 14,79% (thống kê năm 2014). Tuy vậy, chính động cơ thoát nghèo đã khiến đồng bào ủng hộ chủ trương phổ cập giáo dục nói chung và phổ cập GDMN nói riêng. Đồng chí Hoàng Thị Kim Hoạt, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: sự bứt phá trong tư duy và hành động của hệ thống chính trị và người dân đã khiến giáo dục Đình Lập vượt qua “ngưỡng nghèo” về nhận thức, vươn lên ngang bằng và trở thành một trong các đơn vị dẫn đầu của ngành GD&ĐT Lạng Sơn trong công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()