Phổ cập giáo dục mầm non ở Đình Lập - bộn bề khó khăn
LSO-Trong kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi, đến hết năm 2012, toàn tỉnh sẽ có 63 xã được công nhận. Song kết quả chỉ có 60 xã hoàn thành, 3 xã không hoàn thành đều ở huyện Đình Lập…
Giờ ăn trưa của các cháu mầm non 5 tuổi tại Trường Mầm non xã Bắc Xa (Đình Lập) |
So với 11 huyện, thành phố trong toàn tỉnh, Đình Lập là huyện gặp khó khăn về nhiều mặt như trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội… Công tác GD&ĐT là sự “hội tụ” đầy đủ những khó khăn ấy. Xã Bắc Xa là một ví dụ điển hình. Là xã vùng cao biên giới cách trung tâm huyện trên 50km, đường khó, lại là địa phương đất rộng người thưa, có thể nói Bắc Xa là xã khó khăn vào bậc nhất của huyện. Nhưng với sự quan tâm của huyện, phòng GD&ĐT, Bắc Xa là một trong những xã vùng cao đầu tiên của tỉnh hoàn thành công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2012. Nguyên nhân thành công của xã Bắc Xa chính là sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn hệ thống chính trị với sự tham mưu của nhà trường. Sự phối hợp ấy đã tạo sự đồng thuận cao của người dân trong việc đưa trẻ tới trường, mở bán trú và đóng góp công của cho nhà trường. Nếu năm học 2010-2011, tỷ lệ huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ (0-3 tuổi) ra lớp đã đạt 49,2%, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 98,2% (trong đó huy động trẻ 5 tuổi đạt 100%), thì năm học 2011-2012 tỷ lệ huy động đã là 54,4% số cháu trong độ tuổi nhà trẻ – gấp 1,8 lần so với bình quân toàn tỉnh duy trì tỷ lệ 100% số cháu trong độ tuổi mẫu giáo. Quan sát các cháu độ tuổi nhà trẻ tại trường chính Nà Thuộc trong giờ ăn trưa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về sự mạnh bạo, tự tin và những kỹ năng bước đầu của các cháu mới 18-20 tháng tuổi. Cô giáo Hoàng Thu Thúy nói với chúng tôi: “Nhận biết được sự chăm sóc của nhà trường hơn hẳn ở nhà, nên cho dù có ở các bản xa như Bản Quầy cách 7 km, Tẩn Lầu, Khuổi Sâu…, các bậc phụ huynh cũng tha thiết gửi trẻ và với trách nhiệm của mình, nhà trường phải đáp ứng nguyện vọng chính đáng ấy”.
Tinh thần “vượt dốc” mang con tới trường của người dân rất đáng ghi nhận, sự “vượt khó” của đội ngũ cán bộ giáo viên nhân viên ở đây còn đáng trân trọng hơn. Nhà xa, đường khó, không phòng công vụ, giáo viên phải vật lộn với cung đường trên 20km mỗi ngày để đến trường. Nhiều người ở ngoài thị trấn và các xã xa phải ở nhờ nhà dân song các cô vẫn bám lớp, thiết tha với con trẻ. Với trường chính và 3 điểm trường, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, song để có được 3 điểm trường bán trú, các nguồn lực trong và ngoài địa phương được huy động ở mức cao. Địa phương đã cùng lực lượng biên phòng kêu gọi sự hỗ trợ của các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn như đơn vị công binh 219 hỗ trợ vật liệu xây dựng trị giá 40 triệu đồng, Nông lâm trường 461, đồn biên phòng và phụ huynh học sinh đóng góp tiền mặt san nền, đổ bê tông, hoàn thiện tường rào ở 2 điểm trường; Hội đồng đội tỉnh Quảng Ninh tặng đồ chơi ngoài trời… Ngoài sự đầu tư của ngành GD và vốn chương trình 135 của địa phương, những nguồn lực đó có ý nghĩa quan trọng để Bắc Xa hoàn thành các tiêu chí của chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Khác với Bắc Xa, Lâm Ca có trường MN đạt chuẩn quốc gia từ năm 2008, song vẫn không thể khắc phục được tình trạng học nhờ, học mượn tại các điểm trường để hoàn thành phổ cập cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2012. Cô giáo Hoàng Thị Vị, Hiệu trưởng trường MN 1 xã Lâm Ca cho biết, với 6 điểm trường tại các thôn bản, địa phương không thể “gánh” nổi tiêu chí về cơ sở vật chất, hơn nữa đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập về trình độ đào tạo. Nếu nhà nước không có sự đầu tư một cách tích cực về phòng học, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi theo quy định, thì không thể đạt được các tiêu chuẩn phổ cập.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Mai, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đình Lập cho biết: “Quyết tâm của địa phương trong năm 2013 này là “trả nợ” xong 3 xã của năm 2012 là Lâm Ca, Châu Sơn, Thái Bình; ngoài ra còn hoàn thành thêm 3 xã nữa là Bính Xá, Cường Lợi và thị trấn Đình Lập”. Trong công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, Đình Lập có 3 cái “vướng” là thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thiếu đồng bộ (tỷ lệ hợp đồng cao, nhiều giáo viên dạy trái cấp) và tổ chức bếp ăn bán trú. Theo chúng tôi, chỉ có quyết tâm thì chưa đủ, mà còn phải có cách làm. Khi Đình Lập đã “vào” danh sách các huyện 30a, chắc chắn năm 2013 và những năm sau, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ dành một phần kinh phí để cùng với ngành GD&ĐT giải quyết về cơ sở vật chất cho giáo dục nói chung và GDMN nói riêng. Còn khó khăn về đội ngũ hoàn toàn phụ thuộc vào sự năng động của ngành GD&ĐT như mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí lại đội ngũ…
Ý kiến ()