Thứ 5, 28/11/2024 07:27 [(GMT +7)]
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: Tràng Định vượt khó
Thứ 4, 21/03/2012 | 09:06:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Năm học 2010-2011, toàn huyện Tràng Định có 11 trường MN, mới đạt 47,8% số xã và thị trấn có trường MN và vẫn còn tới 12 “xã trắng” trường MN. Tuy tỷ lệ huy động trẻ từ 0-3 tuổi đạt tỷ lệ 17,8%, huy động trẻ ra lớp mẫu giáo đạt 94,7%, riêng trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 98,2%, song khó khăn nhất vẫn là tình trạng cơ sở vật chất (CSVC) rất thiếu thốn. Tình trạng học nhờ tại nhà họp thôn bản, nhờ cấp tiểu học, nhà dân… vẫn khá phổ biến tại các xã vùng cao, vùng khó khăn.
Giờ ăn trưa của lớp trẻ 2 tuổi Trường Mầm non thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định
Trước tình hình đó, địa phương và ngành GD đã có nhiều cố gắng trong khắc phục bằng chính nội lực của mình. Nhiều trường huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh trong việc dựng nhà tạm, bếp ăn bán trú, thay phiên nhau nấu ăn cho các cháu, đóng góp gạo, thực phẩm, củi đun để giảm bớt sự đóng góp của gia đình phụ huynh. Quán triệt các văn bản chỉ đạo từ Trung ương tới cấp huyện về công tác phổ cập GDMN, ngành GD đã cử đội ngũ cán bộ phối hợp với cấp ủy và chính quyền các xã, thị trấn tiến hành điều tra tới 301 thôn với tổng số 14.013 hộ dân. Trên cơ sở đó, đề ra mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2011-2015 và xác định lộ trình hợp lý để đạt được các mục tiêu củng cố mở rộng mạng lưới trường lớp MN; nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên (CBGV); ưu tiên CSVC, trang thiết bị cho cấp học… Theo lộ trình đề ra, năm 2011, Tràng Định sẽ có 2 xã đạt chuẩn là thị trấn Thất Khê và xã Tri Phương, năm 2012 thêm 4 xã là Kháng Chiến, Chi Lăng, Hùng Sơn và Hùng Việt; năm 2013 có 5 xã được công nhận; năm 2014 có 7 xã hoàn thành và đến 2015 có thêm 5 xã nữa để toàn huyện có 100% số xã, thị trấn hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Thực hiện một cách tích cực kế hoạch đã đề ra, bước vào năm học 2011-2012, huyện đã thành lập 2 trường MN, nâng tỷ lệ huy động số cháu trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp lên 21,7% và đã có 97,1% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp, riêng huy động trẻ 5 tuổi đã đạt 98,8%. Giữa học kỳ I đã có 2 đơn vị đạt chuẩn phổ cập là thị trấn Thất Khê và xã Tri Phương. Xóa “xã trắng” về trường MN được coi là nhiệm vụ quan trọng trong việc duy trì chuẩn QG về GDMN. Nằm trong quy hoạch tổng thể về giáo dục, công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường MN được quan tâm. Phòng GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát thực trạng quỹ đất dành cho GDMN, tham mưu cho UBND các xã xây dựng quy hoạch; làm các thủ tục hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các trường MN trong danh mục được đầu tư. Tiếp tục mở rộng mạng lưới trường lớp MN, phấn đấu giảm 50% “xã trắng” trường MN- từ 14 xã năm 2010 xuống còn 7 xã năm 2015. Các cô giáo và hơn 300 học sinh của trường MN thị trấn Thất Khê sinh hoạt trong những căn phòng ẩm thấp, chật chội và các cô vẫn theo dõi tiến độ hoàn thiện ngôi trường mới từng ngày. Cô Nông Thị Bích, Hiệu trưởng nhà trường không giấu nổi niềm vui; “Thị trấn mới được công nhận chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi vào tháng 11/2011, nay ngôi trường mới sắp sửa hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Thế là bao nhiêu năm phấn đấu và mong chờ, nay đã sắp thành hiện thực”. Song song với việc điều tra, quy hoạch, huy động trẻ đến trường, ngành GD huyện đã triển khai nhiều việc như xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; bố trí đội ngũ đủ về số lượng và ngày càng được nâng cao về chất lượng, thực hiện chế độ chính sách đối với CBGV, đáp ứng yêu cầu phổ cập và thực hiện chương trình giáo dục MN mới. Tăng cường CSVC, trang thiết bị dạy và học, đồ dùng đồ chơi cho các cháu, trong đó ưu tiên các lớp MN 5 tuổi.
Bà Đinh Thị Uyên, Trưởng phòng GD huyện nói: “Phải hoàn thành phổ cập GDMN trong thời gian 5 năm- đó là là thách thức lớn đối với một cấp học có điểm xuất phát rất thấp. Song kinh nghiệm của việc thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS, sự lãnh đạo của cấp ủy, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, của toàn hệ thống chính trị cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân đã tiếp cho ngành GD Tràng Định niềm tin và quyết tâm. Sự tự tin sẽ khơi nguồn cho những cách làm sáng tạo để đạt được mục đích của mình”.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()