Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: Nỗ lực vượt kế hoạch năm 2013
LSO-Được xác định là “Năm của giáo dục mầm non”, năm 2013, với quyết tâm cao, toàn tỉnh đã có thêm 58 xã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi- vượt mức kế hoạch đề ra và gần bằng số lượng của cả 2 năm trước cộng lại.
Giờ hoạt động ngoài trời của lớp mầm non 5 tuổi Trường Mầm non xã Tam Gia (Lộc Bình) |
Trong 2 năm (2011 và 2012) toàn tỉnh mới có 60 xã hoàn thành phổ cập, đạt tỷ lệ 26,54%. Trước sự chậm trễ này, ngành GD&ĐT đã tập trung phân tích nguyên nhân của những yếu kém. Đó là công tác xây dựng kế hoạch của một số địa phương chưa sát với thực tiễn, xây dựng mục tiêu cao nhưng lại thiếu chỉ đạo ưu tiên trọng điểm, thiếu chủ động trong lồng ghép các nguồn lực. Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh còn trên 20% số xã chưa có trường MN độc lập, 54 trường có đất nhưng chưa có trường; toàn cấp học còn 337 phòng học tạm, 748 phòng còn chung với phổ thông, hoặc học nhờ, học thuê, tiến độ xây dựng phòng học chậm. Hầu hết các lớp 5 tuổi chưa đủ 124 danh mục đồ dùng đồ chơi tối thiểu theo quy định. Việc phân lớp theo độ tuổi để thực hiện chương trình GDMN mới còn nhiều khó khăn; nhiều lớp lồng ghép 2-3 độ tuổi; tình trạng lớp quá tải, phòng học nhỏ hẹp ảnh hưởng đến chất lượng. Toàn tỉnh mới có 13/166 trường đạt chuẩn QG; kế hoạch xây dựng 10 trường MN đạt chuẩn ở các xã ĐBKK chưa được thực hiện. Thiếu giáo viên, nhân viên, cách thức hợp đồng giáo viên, nhân viên còn có sự khác nhau, thu nhập thực tế của đội ngũ còn thấp so với mặt bằng chung, khiến giáo viên nhân viên hợp đồng thiếu yên tâm công tác.
Để công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi đạt được tiến độ nhanh hơn và về đích đúng kế hoạch thời gian, các địa phương đã quán triệt sâu Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 11/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi và Kế hoạch của UBND tỉnh, tập trung phân tích những khuyết điểm, hạn chế để đề ra mức phấn đấu mới. Trong điều kiện rất thiếu kinh phí cho GDMN, tất cả các địa phương đã thực hiện công tác xã hội hóa (XHH) ở mức cao; huy động sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và nhân dân giúp sức cho GDMN, huy động tối đa trẻ các độ tuổi (nhất là trẻ 5 tuổi) ra lớp. Nhân dân đã hiến hàng chục ngàn m2 đất, đóng góp hàng vạn ngày công và hàng tỷ đồng để tách trường, xây dựng phòng học các công trình như nhà bếp, nước sạch, nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị để đảm bảo cho các cháu bán trú và học 2 buổi/ ngày. Điển hình như Bình Gia trên 2,2 tỷ đồng, Hữu Lũng trên 1,7 tỷ đồng, Chi Lăng trên 1 tỷ đồng… Vì vậy, tổng số trường MN bán trú và 2 buổi/ngày đã đạt 99,4%, tăng 17% so với năm học trước, trong đó trẻ 5 tuổi được bán trú và 2 buổi/ngày tăng 10,4%. Trao đổi với chúng tôi, cô Đinh Thị Uyên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tràng Định cho rằng, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã, thì một huyện khó khăn như Tràng Định sẽ không đạt được tỷ lệ 97,5% trẻ 5 tuổi bán trú và 2 buổi/ngày. Còn thầy Hoàng Xuân Mai, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đình Lập cho biết, với một huyện đất rộng người thưa, nếu không tổ chức bán trú cho các cháu, sẽ không thể thực hiện chương trình GDMN mới, và như vậy tiến độ phổ cập sẽ bị chậm chễ. Vì vậy, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường có nỗ lực cao trong công tác này. Đến cuối năm học 2012-2013, toàn huyện đã có 100% số trường bán trú và 2 buổi/ngày, trong đó có 96,5% số trẻ 5 tuổi được bán trú và 2 buổi/ngày.
Về đội ngũ giáo viên, nhân viên, song song với hợp đồng dài hạn, mức lương hợp đồng đã hợp lý hơn; bằng giải pháp phối hợp với trường CĐSP, ngành y tế về giảng dạy bồi dưỡng tại huyện, nhiều địa phương đã đáp ứng đủ giáo viên, nhân viên. Ngành GD&ĐT đã cố gắng bố trí tài liệu, sách giáo khoa, đồ dùng giảng dạy, học tập, đồ chơi cho các nhà trường, tạo điều kiện để các trường thực hiện chương trình GDMN mới. Đến nay đã có 100% đơn vị thực hiện chương trình GDMN mới; chất lượng nuôi và dạy đã được nâng lên.
Do thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiều khó khăn đã được tháo gỡ. Năm 2013, toàn tỉnh đã có thêm 58 xã hoàn thành phổ cập, vượt kế hoạch đề ra là 12 xã, nâng tổng số đơn vị đạt chuẩn phổ cập trong 3 năm lên 118 xã, đạt tỷ lệ 52,2%. Đây chính là “điểm nhấn” thành tựu của ngành GD&ĐT Lạng Sơn trong năm 2013 và là bài học kinh nghiệm đầy bổ ích để các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ vào năm 2014.
Ý kiến ()