Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi- nỗ lực của Hữu Lũng
LSO-Là một huyện đông dân, nhiều đơn vị xã, thị trấn, trên thực tế việc phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi ở Hữu Lũng có ảnh hưởng lớn đến tiến độ phổ cập chung của toàn tỉnh. Nhận thức được vai trò, vị trí của mình, trong 3 năm qua, Hữu Lũng đã khắc phục nhiều khó khăn để đẩy nhanh tiến độ phổ cập.
Giờ vui chơi của trẻ Trường Mầm non Liên Cơ |
Quán triệt Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền huyện Hữu Lũng đã đề ra các nghị quyết và chương trình hành động trong việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Những nghị quyết và chương trình ấy được quán triệt tới các ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn để huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Vì vậy, tỷ lệ huy động vào các trường MN tăng nhanh. Nếu năm 2011, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp mới đạt 99,7%, tỷ lệ trẻ được học 2 buổi/ngày là 72,8%, toàn huyện mới có xã Yên Vượng hoàn thành phổ cập; thì năm 2012, tỷ lệ huy động đã là 100% và tỷ lệ học 2 buổi/ngày đã đạt 87,8% và đã có thêm 5 xã mới hoàn thành phổ cập (vượt kế hoạch 3 xã). Phát huy kết quả đã đạt được, công tác phổ cập GDMN được đẩy nhanh, đến cuối tháng 6-2013, huyện đã kiểm tra và công nhận thêm 7 xã, nâng tổng số xã hoàn thành phổ cập GDMN lên 13 xã, đạt tỷ lệ 50% tổng số đơn vị trên địa bàn, vượt 45% so với kế hoạch đề ra cho năm 2013.
Để đạt và vượt kế hoạch đề ra, Hữu Lũng đã đồng thời giải quyết nhiều vấn đề cho GDMN. Trước hết là công tác quy hoạch đất đai và tăng cường CSVC cho các nhà trường. Song song với việc vận động người dân hiến đất, Hữu Lũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hoàn thiện quy hoạch đất đai cho trường MN. Tập trung tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các nhà trường, tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách từ năm 2010 đến nay là trên 7,8 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa CSVC, mua sắm trang thiết bị nhà bếp, đồ dùng đồ chơi, xây dựng nhà vệ sinh, tường rào. Với gần 2900 ngày công, trên 4,3 tỷ đồng từ sự đóng góp của cán bộ công chức, viên chức, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân, địa phương đã xây dựng các công trình phụ trợ cho trên 92% trường chính và trên 30% điểm trường để thực hiện chủ đề “Nói không với trường MN không có cổng trường, biển trường, tường rào, công trình vệ sinh và công trình nước sạch hợp vệ sinh”. Thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, công tác tổ chức bán trú và 2 buổi/ngày được huyện quan tâm. Đến cuối năm học 2012-2013 đã có 100% số trường thực hiện bán trú và 2 buổi/ngày với 83,1% học sinh được bán trú hoặc 2 buổi/ngày, trong đó có 91,8% trẻ 5 tuổi được bán trú và 2 buổi/ngày.
Quy mô trường lớp MN và tỷ lệ huy động học sinh tăng nhanh, vấn đề đội ngũ giáo viên, nhân viên được đặt ra một cách cấp thiết. Bước vào năm học 2012-2013, toàn huyện còn thiếu 80 giáo viên; trước tình hình đó, phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện ký hợp đồng ngắn hạn, đồng thời phân công giáo viên trưng tập với phương châm “trường thiếu ít hỗ trợ cho trường thiếu nhiều”, đảm bảo mỗi lớp ít nhất có 1 giáo viên. Song song với bố trí hợp lý, đội ngũ giáo viên tích cực học tập nâng cao trình độ, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên đã đạt trên 90%, trong đó có 33% trên chuẩn. Đội ngũ cô nuôi được tăng cường và được bồi dưỡng thường xuyên. Khắc phục tình trạng tiền công, tiền lương đối với giáo viên và cô nuôi hợp đồng thấp, ngành đã chỉ đạo các nhà trường dùng nguồn đóng góp của dân để chi thêm, đảm bảo thu nhập thực tế của họ không quá thấp. Vì vậy đội ngũ giáo viên và cô nuôi đã yên tâm hơn với công việc. Để đảm bảo duy trì sĩ số, chống tình trạng bỏ học, địa phương đã chỉ đạo thực hiện tốt việc chi hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi theo Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai nhanh việc chi hỗ trợ tiền ăn cho trẻ 3,4 tuổi cho các đối tượng theo chính sách mới của Nhà nước. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong 3 năm qua, với phương châm “Dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”, Hữu Lũng đã tập trung cao độ các nguồn lực cho GDMN. Trong đó dùng nguồn vốn ngân sách cho các xã khó khăn và tăng cường xã hội hóa để đảm bảo nguồn lực cho các đơn vị thuận lợi như thị trấn và các xã vùng ngoài.
Nói về thành công bước đầu của công tác phổ cập, ông Trần Quốc An, Trưởng phòng GD&ĐT nhấn mạnh đến hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, nhất là cấp xã; sự phối hợp liên ngành mà nòng cốt là ngành GD&ĐT. Ông cũng cho rằng, tiến độ tuy đã vượt khá cao song trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, vì 50% đơn vị còn lại đều là những đơn vị vướng về CSVC, chất lượng nuôi dạy và đội ngũ giáo viên, nhân viên. Sự cần thiết phải có hướng tuyển dụng giáo viên nhân viên ngay từ đầu năm học và tuyển dụng giáo viên là người địa phương. Mặt khác, có cơ chế tuyển dụng nhân viên theo hợp đồng 68, thay vì theo hợp đồng 44 như hiện nay. Có như vậy, chất lượng nuôi dưỡng chăm sóc trẻ mới được nâng lên và chất lượng phổ cập mới được nâng cao.
Ý kiến ()