Thứ 7, 23/11/2024 11:22 [(GMT +7)]
Phổ cập giáo dục mầm non: Cần quan tâm nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, nhân viên
Thứ 4, 02/05/2012 | 09:03:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Quyết định số 239/QĐ-TTg, ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 đã tạo cơ hội cho cấp học mầm non phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với toàn ngành GD Lạng Sơn về công tác tuyển dụng, bổ sung và nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, nhân viên.
Cô và trò khối Mầm non của Trường tiểu học Dân lập Nguyễn Trãi
(thị trấn Đồng Đăng – Cao Lộc)
Nếu học kỳ I năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 142 trường MN; tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi ra lớp đạt 23,4%, trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 95,06%; đội ngũ cán bộ giáo viên (CBGV) toàn cấp học có 2737 người; thì đến học kỳ I năm học 2011-2012, toàn cấp học đã có 166 trường; tỷ lệ huy động trẻ ra nhà trẻ đã đạt 26% và tỷ lệ huy động trẻ ra lớp mẫu giáo đạt 97,4%; đội ngũ CBGV, nhân viên đã là 3463 người. Song song với công tác tuyển dụng, bố trí giáo viên, công tác đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng, nên đội ngũ giáo viên mầm non tăng nhanh về số lượng, đồng thời luôn đạt và vượt chuẩn về trình độ đào tạo. Sau một thời gian triển khai đánh giá hiệu trưởng trường MN theo chuẩn Hiệu trưởng trường MN, đến nay đã có trên 90% số hiệu trưởng đạt chuẩn; trên 96% giáo viên đạt chuẩn đào tạo, trong đó có trên 25% trên chuẩn.
Trong hội thi giáo viên mầm mon dạy giỏi cấp huyện, thành phố vừa qua, toàn cấp học đã có 412 giáo viên dạy giỏi, đạt tỷ lệ 16,8% và hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đã có 57 giáo viên của 39 trường MN trong toàn tỉnh tham gia dự thi. Trong sự phát triển mạnh mẽ của cấp học mầm non, thì các trường MN nông thôn gặp nhiều khó khăn nhất, song bằng lòng yêu nghề yêu trẻ, nhiều giáo viên đã vươn lên trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Trong hội thi cấp tỉnh vừa qua, Phòng GD huyện Văn Quan cử 4 giáo viên tham gia, thì cả 4 người đều đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Cô giáo Triệu Thị Tuyết Nhung, giáo viên Trường MN xã Đồng Giáp tâm sự với chúng tôi: “Do chưa có lớp, phải học nhờ nhà họp của thôn Bắc Nam; lớp đã không đúng tiêu chuẩn, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi lại rất nghèo nàn, thương các cháu nhỏ em phải tự làm đồ dùng đồ chơi cho các cháu. Tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến ở ngay trong lớp của mình; đúc rút kinh nghiệm trong từng giờ dạy, nên em đã thành công”.
Có thể nói rằng, với tình yêu nghề nghiệp, đội ngũ giáo viên cấp học mầm non luôn sẵn sàng vượt khó. Trong hành trình gian nan ấy, không thiếu những câu chuyện cảm động về tình thương đối với trẻ, những cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Đường lầy lội vẫn không ngăn nổi bước chân của hàng chục cô giáo hàng ngày vào các xã Hải Yến, Cao Lâu, Xuất Lễ…dạy học. Thiếu nước sạch, thiếu nơi nấu ăn, các trường MN nông thôn, các điểm trường lẻ vùng cao, vùng khó khăn vận động phụ huynh hàng ngày đưa con đến lớp và mang theo 1 chai nước cho con; động viên các bậc phụ huynh thay phiên nhau giúp nhà trường gánh nước, nấu ăn cho trẻ bán trú; hoặc huy động giáo viên gánh cơm từ trường chính đến các điểm trường lẻ, vận động phụ huynh chuẩn bị cạp lồng cơm cho trẻ…
Với sự nỗ lực không ngừng trong 2 năm qua, đến nay tỷ lệ trẻ được ăn bán trú tại trường đã đạt 73,65%, nhiều địa phương đạt cao như Bắc Sơn 84,66%, Cao Lộc 81,05%. Vì vậy tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chỉ ở mức 10,5% ( riêng trẻ 5 tuổi là 9,7%); tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 14,4% ( riêng trẻ 5 tuổi là 10,2%)- thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của toàn quốc.
Tuy nhiên, trước bước phát triển nhanh của cấp học, một số địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến đội ngũ giáo viên, nhân viên. Báo cáo của Sở GD&ĐT cho biết, hầu hết giáo viên MN diện hợp đồng ngắn hạn không được trả lương, không được đóng BHXH trong 3 tháng hè. Thời gian tuyển dụng ngắn (chỉ ký hợp đồng trong 2 tháng); thực hiện tuyển dụng quá muộn so với thời gian bắt đầu năm học. Tại vùng 1, vùng 2 chủ yếu tuyển dụng theo hình thức hợp đồng ngắn hạn; tình trạng nhiều giáo viên có thời gian công tác gần 10 năm vẫn ký hợp đồng ngắn hạn hằng năm. Cô giáo Vân Anh, trường MN Hoa Đào, thị trấn Cao Lộc cho chúng tôi biết, suốt từ năm 2006 đến nay, năm nào cô cũng phải ký hợp đồng mà không được vào biên chế, với mức lương 1,6 triệu đồng/ tháng (chỉ được trả trong 9 tháng) không thể đủ để tự nuôi mình và nuôi con nhỏ. Lương giáo viên hợp đồng đã thấp, mức tiền công của nhân viên nấu ăn còn thấp hơn và bình quân chỉ ở mức 830 ngàn đồng/ tháng, nên đời sống rất khó khăn, không yên tâm công tác.
Báo cáo của ngành GD&ĐT Lạng Sơn cho biết, đến cuối năm 2011, toàn tỉnh đã có 27 xã, phường thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Nếu so sánh với nhiều tỉnh miền núi chưa có xã nào đạt chuẩn, thì Lạng Sơn đã có sự nỗ lực rất lớn và đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Đó là công lao của toàn hệ thống chính trị, của ngành GD và trước hết là của đội ngũ giáo viên MN. Vì vậy, thực hiện chính sách đối với giáo dục mầm non nói chung và đối với cán bộ giáo viên mầm non nói riêng theo Quyết định 60/2011/QĐ-TTg, ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ mang ý nghĩa quyết định đến tiến độ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()