Phổ biến cách tiếp cận và quy định mới của thị trường Trung Quốc đối với nông sản, thực phẩm nhập khẩu
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh phát biểu tại hội thảo
– Ngày 15/11, tại thành phố Lạng Sơn, Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hội thảo quốc tế phổ biến cách tiếp cận và quy định mới của thị trường Trung Quốc đối với nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tham dự hội thảo tại điểm cầu Lạng Sơn có đại diện Bộ Công Thương; lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản trong và ngoài tỉnh. Tham dự hội nghị tại các điểm cầu có Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc; trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc.
Tại hội thảo, đại diện Vụ thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương đã dành nhiều thời gian để thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp quy định mới của Hải Quan Trung Quốc gồm: lệnh 248 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu” có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Theo lệnh 248, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc. Trong đó, nhóm 1 gồm 18 nhóm mặt hàng phải đăng ký thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhóm 2 là thực phẩm ngoài 18 mặt hàng thuộc nhóm 1 đăng ký trực tiếp với Hải quan Trung Quốc thông qua website singlewindow.cn.
Lệnh 249 gồm các nội dung: yêu cầu đánh giá sự phù hợp; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm sử dụng nguyên liệu mới; thay đổi về yêu cầu ghi nhãn; cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm mình sản xuất; lần đầu tiên chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến…
Thông qua hội thảo giúp đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội cập nhật thông tin mới đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc; hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc đối với mặt hàng thuộc thẩm quyền phục trách của Bộ Công Thương theo quy định mới… Đồng thời, tìm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
18 nhóm mặt hàng thuộc nhóm 1 gồm: thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản; sản phẩm từ sữa; yến sào và sản phẩm từ tổ yến; ruột động vật; sản phẩm từ ong; trứng và các sản phẩm trứng; dầu thực phẩm và nguyên liệu; bánh có nhân các loại; ngũ cốc dùng làm thực phẩm; sản phẩm bột ngũ cốc và mạch nha; các loại rau tươi, rau tách nước và đậu khô; gia vị nguồn gốc tự nhiên; quả hạch và các loại hạt; trái cây sấy khô; hạt cà phê và ca cao chưa rang; thực phẩm ăn kiêng đặc biệt; thực phẩm chức năng. |
Ý kiến ()