Phim về Marie Curie tiết lộ khó khăn của phụ nữ trong khoa học
Bộ phim hiện có tên gọi là “Maria Sklodowska-Curie,”là sự hợp tác giữa các nhà sản xuất đến từ Pháp, Đức và Ba Lan, do đạo diễn người Pháp Marie Noelle chỉ đạo diễn xuất. Nhà khoa học thế kỷ 20 sinh ra tại Ba Lan vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho Noelle kể từ khi còn nhỏ.
Trong quá trình làm việc tại Paris, Curie là người đã hình thành khái niệm “phóng xạ” sau khi phát hiện ra các nguyên tố polonium và radium. Vào năm 1903, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel về những thành tựu trong vật lý. Năm 1911, bà tiếp tục giành thêm một giải Nobel nữa về hóa học.
“Chỉ trong vòng 6 năm, bà ấy đã sinh hạ một đứa con, mất đi người chồng từng chia sẻ đam mê nghiên cứu khoa học, và đem lòng yêu một lần nữa (một người đàn ông đã có vợ) khiến dư luận nổi sóng, và cuối cùng, bà đã giành một giải Nobel,” Noelle chia sẻ với hãng tin AFP tại thành phố Lodz, trung tâm Ba Lan, nơi đang tiến hành quay phim.
Vai diễn Marie Curie sẽ do nữ diễn viên người Ba Lan Karolina Gruszka, 34 tuổi đảm nhiệm.
Thông qua bộ phim, đạo diễn Noelle cho biết cô muốn nhấn mạnh rằng giờ đây, dù hơn 100 năm đã trôi qua, song phụ nữ vẫn còn phải vượt qua rất nhiều rào cản để tham gia nghiên cứu khoa học.
“Ở châu Âu, mặc dù chúng ta đã biết rằng trẻ em gái học giỏi toán hơn trẻ em trai, nhưng chỉ có 13% phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học ở cấp độ cao,” Noelle cho biết. Trước khi bước vào con đường làm phim, cô đã học chuyên ngành toán học.
Vấn đề này đã nhận được nhiều sự chú ý sát sao khi vào tuần trước, nhà khoa học người Anh giành giải Nobel Tim Hunt đã bị buộc thôi việc tại Đại học London vì những nhận xét gây tranh cãi của mình khi nói về các nhà khoa học nữ.
“Ba điều xảy ra khi họ có mặt trong phòng thí nghiệm: bạn yêu họ, họ yêu bạn, và khi bạn chỉ trích họ thì họ khóc,” Hunt được cho là đã đưa ra phát biểu này ở Hàn Quốc.
Sau đó, khi đưa ra lời xin lỗi, ông đã tự gọi mình là một “kẻ cực đoan tồi tệ.”
Hunt đã được đồng trao giải Nobel năm 2001 trong lĩnh vực Sinh lý học hoặc Y tế cho phát hiện về các phân tử protein kiểm soát sự nhân đôi tế bào.
Trên mạng internet đã xuất hiện những bức ảnh châm biếm, phản bác lại câu nói của Hunt với dòng chữ: “Tôi rất mừng vì Marie Curie đã ngưng khóc và có thời gian để phát hiện ra radium và polonium” trên nền một bức ảnh của Marie Curie.
Bộ phim mới nói về cuộc đời của Marie Curie được cho là sẽ tổ chức công chiếu quốc tế vào tháng 2/2016 – hơn 70 năm sau khi bộ phim tiểu sử năm 1943 “Madame Curie”với sự tham gia của Greer Garson và Walter Pidgeon gây thành công vang dội./.
Ý kiến ()