Phim truyền hình về gia đình thu hút khán giả nhờ yếu tố nhân văn
Khai thác những vấn đề bất ổn trong gia đình thời hiện đại một cách nhân văn và xúc động, đó là cách phim truyền hình thu hút khán giả.
Bộ phim truyền hình “Hãy nói lời yêu”đang đẩy cảm xúc của khán giả lên đỉnh điểm với cái chết của Minh (Quang Anh). Cậu tự tử ở tuổi 17, giữa sự cô đơn ngay trong chính gia đình của mình.
Chủ đề gia đình vẫn luôn là chất liệu dồi dào cho các nhà làm phim và những bộ phim gia đình vẫn luôn là món ăn tinh thần được ưa thích của nhiều gia đình vào các buổi tối. Không chỉ là những câu chuyện xoay quanh tình thân, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, dòng phim này còn đề cập đến các vấn đề xã hội, những mâu thuẫn gia đình thời hiện đại.
Kịch bản xúc động
“Hãy nói lời yêu”xoay quanh một gia đình đáng mơ ước với bố mẹ thành đạt, con cái ngoan ngoãn học giỏi, cuộc sống hạnh phúc. Theo mạch phim, những bất ổn dần dần lộ ra: Ngoại tình, dối trá, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, sự áp đặt và kiểm soát quá mức khiến ai nấy ngột ngạt…
Đạo diễn Bùi Quốc Việt và biên kịch Huyền Lê đã tỏ ra thấu hiểu những vấn đề của các gia đình hiện đại, họ tạo ra những tình tiết để đẩy mạch phim lên cao trào ở cái chết của Minh, cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi.
Sau khi Minh tự tử trong tập 21, nhiều khán giả đã chờ đợi một diễn biến khác của “Hãy nói lời yêu.”Họ mong rằng tất cả chỉ là một giấc mơ của bà Hoài, người mẹ quá cầu toàn và thích kiểm soát chồng con đến mức điên loạn. Nhưng không có phép màu nào xảy ra. Sự ra đi của Minh dần dần cảnh tỉnh những thành viên khác trong gia đình. Họ nhìn lại những hành vi của mình, phá tan vỏ bọc gia đình hạnh phúc, dần cảm thông cho người khác và thay đổi bản thân.
Nhà báo Ngô Bá Lục, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Sân khấu, chia sẻ rằng anh đã day dứt mãi khi xem tập phim này.
“Một gia đình trí thức với vẻ bề ngoài vô cùng hào nhoáng nhưng chứa đựng bên trong nó là sự lạnh lẽo, cô đơn, nhạt nhẽo, đầy những toan tính của người lớn và sự đơn độc, thụ động của đàn con. Trong xã hội , kiểu gia đình như vậy không phải là hiếm,” anh bình luận.
Nhà báo cũng dành lời ngợi khen cho các nghệ sỹ Trọng Trinh, Nguyệt Hằng và diễn viên trẻ Quang Anh. Họ đã làm tròn vai của mình, có những giây phút xuất thần khiến khán giả xúc động.
Diễn viên Quang Anh cũng bày tỏ sự xúc động khi xem lại tập phim này và đọc những dòng bình luận của khán giả.
“Tôi cũng thấy thương Minh vô cùng. Hy vọng rằng vai diễn này của tôi sẽ là sự ám ảnh để cảnh tỉnh một bộ phận không nhỏ những người làm bố làm mẹ mà không thấu hiểu và cảm thông cho con cái,” Quang Anh chia sẻ.
Nghệ sỹ nhân dân Trọng Trinh cho hay anh nhận ra hình bóng mình và những ông bố bà mẹ khác trong bộ phim này. Tập 21 cũng mang lại tâm trạng nặng nề đối với anh. Mặc dù cả ê kíp từ đạo diễn, biên kịch và diễn viên đều tham gia quá trình xây dựng câu chuyện trong phim, nhưng khi xem lại, anh vẫn không kìm nổi cảm xúc.
“Đã lâu lắm rồi tôi mới vào một vai diễn nhiều tâm trạng, cảm xúc đến thế. Mong rằng mỗi người sẽ rút ra được một bài học nào đó cho mình,” anh chia sẻ.
Thông điệp nhân văn
Nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng đạo diễn và biên kịch đã biết cách gửi gắm thông điệp qua các tình tiết phim. Câu chuyện trên phim, nhưng là bài học lớn cho rất nhiều người.
“Qua đây, tôi cũng sẽ điều chỉnh bản thân, gần gũi hai con trai của mình hơn nữa, chơi với con nhiều hơn nữa. Bận rộn không phải là lý do để các bậc phụ huynh bỏ bê con cái, đó là do cách nghĩ và quan điểm sống của mỗi người,” anh chia sẻ.
Những bộ phim đề tài gia đình gần đây đều gửi gắm thông điệp rằng gia đình phải là nơi bình yên nhất, ấm áp nhất, là nơi mọi người lắng nghe, thấu hiểu nhau, và hy sinh cho nhau. Đó mới là một gia đình đúng nghĩa.
Dù chứa đựng câu chuyện xúc động và thông điệp nhân văn nhưng bộ phim cũng vấp phải sự phản đối của một số khán giả.
Chị Lê Yến ở Hà Nội cho hay chị là một người mẹ, có con trai cũng đang ở tuổi teen ngang bướng. Chị cho rằng bộ phim này hiện thực đến mức nghiệt ngã.
“Tôi không đồng tình với cách đẩy sự việc theo hướng tiêu cực như vậy. Điều đó ảnh hưởng xấu đến tâm lý thanh thiếu niên. Ngồi xem phim cùng con, tôi phải giải thích ngay với cháu rằng Minh có thể gọi điện cho bố, cho chị để giải toả bức xúc, Minh còn nhiều sự lựa chọn khác, cuộc sống của Minh chưa tồi tệ đến nỗi phải tự tử,” chị Yến giãi bày.
Nhiều khán giả khác cũng chung quan điểm rằng bộ phim có thể khiến các bạn trẻ ở trong hoàn cảnh giống như Minh tìm tới giải pháp tiêu cực.
Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Thụy Anh cho hay chị cũng cảm thấy sốc khi Minh tìm đến cái chết, nhưng chị cũng cho rằng có lẽ phải như vậy thì mới cảnh tỉnh được những người lớn. Việc thanh thiếu niên tự tử xảy ra khá nhiều trong xã hội. Chị cho hay ở tuổi mới lớn, chỉ một lời nói không cẩn trọng, một ánh mắt lạnh lùng của người thân cũng có thể khiến trẻ sụp đổ.
“Ngay cả khi có lỗi, thì một đứa trẻ vẫn có quyền được bảo vệ về sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và nhân phẩm. Qua bộ phim này, mong sao những người lớn hãy luôn nhớ rằng, mình đang nuôi dạy một-con-người, cần được tôn trọng,” tiến sỹ Thụy Anh cho biết.
Hấp dẫn từ dàn diễn viên
Không mang nhiều yếu tố tâm lý nặng nề như “Hãy nói lời yêu,”bộ phim “Hương vị tình thân”kể về Phương Nam, một cô gái trẻ cá tính và nhiều mơ ước đang sống yên ấm bên bố mẹ và em gái bỗng phát hiện ra mình chỉ là con nuôi. Sau cái chết đột ngột của người bố nuôi hết mực yêu thương, cô bị mẹ nuôi ghẻ lạnh, Phương Nam (Phương Oanh) bắt đầu hành trình tìm lại người thân của mình.
Kịch bản “Hương vị tình thân”được Việt hóa từ bộ phim Hàn Quốc “My only one.”Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cho hay dù kịch bản ngoại nhưng thông điệp chính của bộ phim hoàn toàn phù hợp với xã hội Việt Nam, đó là đề cao giá trị của tình thân và gia đình. Dù cuộc sống thế nào, con đẻ hay con nuôi, gia đình vẫn là nơi ấm áp chở che mỗi người.
Phương Oanh nhận được nhiều lời khen cho vai diễn trong bộ phim này. Khác hẳn vai diễn có tâm lý phức tạp trong “Quỳnh búp bê”hay vai cô gái ngoan hiền trong “Cô gái nhà người ta,”ở Phương Nam của “Hương vị tình thân”có nét trong sáng, hồn nhiên, nhân hậu và luôn dành tình yêu thương hết mực cho gia đình của mình.
Khán giả đôi lúc phàn nàn rằng phim truyền hình Việt đang trở nên nhàm chán với tần suất xuất hiện dày đặc của các gương mặt như Phương Oanh, Thu Quỳnh, Mạnh Trường, Hồng Đăng, Hồng Diễm…
Trong “Hương vị tình thân,”đạo diễn Danh Dũng đã mời những gương mặt gạo cội, vắng bóng một thời gian dài trên màn ảnh như nghệ sỹ nhân dân Như Quỳnh, nghệ sỹ ưu tú Võ Hoài Nam và “đôi mắt buồn nhất làng kịch nói” – diễn viên Quách Thu Phương.
Với kinh nghiệm diễn xuất và sự từng trải trong cuộc sống, họ đã hoàn toàn thuyết phục khán giả.
Diễn viên Võ Hoài Nam cho hay chính đề tài gia đình khiến anh vào vai dễ dàng hơn, và có lẽ các đồng nghiệp khác cũng vậy, bởi ai cũng có gia đình, có người thân nên có thể thấu hiểu cảm xúc, tâm trạng của nhân vật.
“Khi vào vai ông Sinh, bố đẻ của Phương Nam, tôi nghĩ đến những đứa con của mình ở nhà. Ở cảnh bố con gặp lại nhau trong nước mắt, tôi không gặp khó khăn gì nhiều, vì tôi hiểu tình yêu của một người cha dành cho con mình là như thế nào, nên tôi đã diễn hoàn toàn tự nhiên,” anh tâm sự./.
Ý kiến ()