Phiêng Pằn, biên giới bình yên
Ðồn Biên phòng Phiêng Pằn (đồn 459) đứng chân địa bàn xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La mới thành lập cách đây tròn năm năm. Vừa tập trung đầu tư cơ sở vật chất, vừa tiến hành xây dựng cơ sở chính trị, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng nơi đây đã có nhiều việc làm thiết thực, củng cố tình quân dân, góp phần giữ cuộc sống bình yên cho đồng bào.
Phiêng Pằn là xã biên giới duy nhất ở huyện Mai Sơn quản lý 6,4 km đường biên giới và bốn cột mốc tiếp giáp với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào. Ðồng thời, là một trong 86 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La. Xã có diện tích tự nhiên 11.639 ha, dân số 7.450 người, bà con sinh sống ở 19 bản, trong đó 13 bản người Xinh Mun, chiếm 78% dân số, còn lại sáu bản người Mông chiếm 22%. Ðặc điểm dễ nhận biết là ở đây chỉ có đồng bào thiểu số sinh sống, trong điều kiện núi cao, bình quân trên 1.000 m so mặt biển, địa hình lại chia cắt, đường giao thông đi lại rất khó khăn, v.v.
Trước khi đi, Ðại tá, Chủ nhiệm Chính trị BÐBP tỉnh Sơn La Nguyễn Văn Việt, thông tin như vậy, nhưng tôi vẫn hào hứng muốn lên biên giới Phiêng Pằn. Xe vượt dốc Trằm Cọ, sương mù dày đặc, lại lắc rắc mấy hạt mưa. Ðược biết, địa bàn biên giới này trước kia do Ðồn Biên phòng Chiềng On (Yên Châu) quản lý, nhưng vì địa bàn rộng, đường biên giới dài, lại liên quan đến hai huyện Yên Châu và Mai Sơn cho nên Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã quyết định thành lập thêm Ðồn Biên phòng Phiêng Pằn. Như vậy, cho đến thời điểm này, Ðồn Biên phòng Phiêng Pằn là một trong 10 đồn biên phòng có tuổi đời trẻ nhất ở Sơn La.
Ngay từ ngày đầu về đóng quân, xây dựng đồn, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Phiêng Pằn đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy Ðảng, chính quyền huyện Mai Sơn và xã Phiêng Pằn. Nhất là bà con bản người Xinh Mun Phiêng Khàng nơi đơn vị đóng quân còn giúp thực phẩm, hỗ trợ gỗ dựng nhà, v.v. Bây giờ khi đã ổn định, Ban Chỉ huy đồn lại xác định nhiệm vụ chính là tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã Phiêng Pằn củng cố cơ sở chính trị, giúp đỡ xã phát triển kinh tế – xã hội vùng biên giới, cụ thể là nâng cao đời sống cho đồng bào, giữ vững an ninh chính trị biên giới.
Trung tá Quàng Văn Yên, Chính trị viên của đồn, tâm sự: Xã vùng cao này chủ yếu là vùng đất của bà con đồng bào dân tộc Xinh Mun sinh sống. Theo báo cáo của xã thì tỷ lệ hộ đói nghèo là 54%, nhưng quan sát, chúng tôi cho con số đó phải lên tới 70 đến 80%. Có hộ thiếu đói mùa giáp hạt, Ðồn Biên phòng Phiêng Pằn lại phải san sẻ hỗ trợ gạo cho bà con. Lợi dụng bản tính thật thà của bà con Xinh Mun, một số đối tượng ở vùng ngoài mang gạo, muối vào đổi ngô, nhà nào không có ngô thì cho “cắm” đến mùa thu hoạch mới lấy, dần dà mấy năm số nợ chồng chất, bà con phải bán đất nương của mình và trở thành người làm thuê cho chủ nợ. Hiện tượng đó lúc đầu chỉ xuất hiện vài nhà, sau lan ra nhiều bản. Theo thống kê, bản Tà Vắt có 25/113 hộ, bản Vít 18/95 hộ, bản Phiêng Khàm 32/114 hộ, cả xã bà con bị mất hơn 300 ha. Trước tình hình này, đồn đã rà soát các đối tượng, phối hợp xã ngăn chặn việc mua bán đất bất hợp pháp. Ðồng thời, tuyên truyền cho bà con thấy mặt trái, phòng ngừa kẻ xấu lợi dụng. Một việc làm khác bà con khen bộ đội, là năm 2013, đồn đã tham mưu với huyện trích quỹ dự phòng hỗ trợ xã 450 triệu đồng sửa đường giao thông. Khi có đường, xe ô-tô vào được xã, giá ngô đang từ 2.800 đồng/kg tăng lên 4.500 đồng/kg. Ước tính sản lượng ngô toàn xã khoảng 12 nghìn tấn, năm đó bà con đã được lợi hàng tỷ đồng. Ông Lò Văn Phành, Trưởng bản Vít, nói một câu mộc mạc: “Từ ngày biên phòng về, bản mình vui lắm. Cái gì không biết, hỏi bộ đội đều giúp, việc gì cũng nhờ bộ đội…”.
Trong công tác xây dựng bảo vệ biên giới, đồn đã tham mưu với huyện tổ chức hai đợt diễn tập phòng thủ trị an đạt loại giỏi. Phối hợp công an, bộ đội xây dựng quy chế phối hợp, hợp đồng tác chiến, củng cố địa bàn. Trong năm năm đã tuần tra đơn phương 118 lần, trong đó có 126 lượt dân quân xã, bản tham gia. Tuần tra song phương với bạn 16 lần, qua trao đổi thông tin, giao ban đã kịp thời giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc. Năm 2013, xã Phiêng Pằn đã trích tiền công thuê bảo vệ mạng Viettel, cùng với quyên góp của biên phòng và nhân dân trong xã mua 100 thanh sắt tặng bạn xây dựng nhà văn hóa Nà Toong. Ðể cảm ơn tấm lòng của bà con Phiêng Pằn, Cụm trưởng Nà Toong đã thảo giấy khen và mang hai cây dừa sang trồng ngay trụ sở xã Phiêng Pằn làm kỷ niệm. Ngoài ra, các đồng chí lãnh đạo đồn còn cho biết: Năm ngoái, một đối tượng người Việt Nam bị phát giác trộm trâu từ Lào, qua xác minh Ðồn Biên phòng Phiêng Pằn đã buộc đối tượng này trao trả trâu cho bạn. Việc làm đó càng củng cố tình cảm giữa nhân dân hai bên biên giới.
Thời gian đóng quân trên địa bàn xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn chưa dài, nhưng cán bộ, chiến sĩ của đồn đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng đồng bào hai bên biên giới. Ðó không đơn thuần là tình cảm quân dân, một truyền thống tốt đẹp của quân đội ta, mà còn là cơ sở vững chắc xây dựng biên giới bình yên.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()