Phiên xử vụ AIC: Bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết gửi đơn xin xét xử vắng mặt
Luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết) cho biết bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết xuất cảnh sang Mỹ từ tháng 4/2021 để giám hộ cho hai con đang theo học tại Mỹ.
Sáng 21/12, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ – viết tắt là Công ty AIC) và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan.
Hội đồng xét xử gồm 5 người (hai thẩm phán, ba hội thẩm nhân dân), do thẩm phán Mai Văn Quang làm Chủ tọa phiên tòa.
Ba kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và hai kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm.
36 bị cáo phải ra trước vành móng ngựa trong vụ án này gồm Nguyễn Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1969, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC), Trần Mạnh Hà (sinh năm 1971, Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC), Trần Đình Thành (sinh năm 1955, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (sinh năm 1959, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai), Phan Huy Anh Vũ (sinh năm 1967, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai), Bồ Ngọc Thu (sinh năm 1960, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai), Hoàng Thị Thúy Nga (sinh năm 1975, Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC), Phan Minh Trí (sinh năm 1979, Trưởng Phòng Hành chính quản trị Bệnh viện Đồng Nai), Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1954, Tổng Giám đốc Công ty Mediconsult Việt Nam), Vũ Quang Ngọc (sinh năm 1981, nguyên Phó Giám đốc Công ty Medicosult Việt Nam), Nguyễn Công Tiến (sinh năm 1965, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Tư vấn đầu tư xây dựng Thế hệ mới), Ninh Văn Sinh (sinh năm 1979, chuyên viên thẩm định giá Công ty Thẩm định giá Thế hệ mới), Hoàng Thế Quỳnh (sinh năm 1985, nhân viên Công ty AIC), Lê Chí Tuân (sinh năm 1980, Trưởng nhóm hồ sơ – Ban Quản lý Dự án 1 Công ty AIC), Nguyễn Đăng Thuyết (sinh năm 1970, nguyên Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội), Đỗ Mỹ Hạnh (sinh năm 1982, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cát Vân Sa), Ngô Thế Vinh (sinh năm 1965, Giám đốc Công ty Việt Tiên), Lê Thị Bích Thủy (sinh năm 1980, Giám đốc Công ty TNT), Huỳnh Tuấn Anh (sinh năm 1984, Giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân), Nguyễn Thị Tích (sinh năm 1962, Tổng Giám đốc Công ty Mopha), Nguyễn Thị Sen (sinh năm 1984, nguyên Giám đốc Công ty Thiết bị y tế và môi trường), Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1960, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn xây dựng Đồng Nai – nay là Trung tâm Tư vấn quy hoạch kiểm định xây dựng Đồng Nai), Nguyễn Tiến Thu (sinh năm 1987, nhân viên Công ty AIC), Nguyễn Quang Minh (sinh năm 1986, nhân viên Công ty AIC), Ngô Quang Vinh (sinh năm 1975, Kỹ sư Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Đồng Nai), Nguyễn Thành Thái (sinh năm 1987, nhân viên Trung tâm Tư vấn xây dựng Đồng Nai), Chu Văn Hiếu (sinh năm 1966, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai), Cao Thị Tám (sinh năm 1964, nguyên Trưởng phòng Tư vấn đấu thầu – Trung tâm Tư vấn, Xây dựng Đồng Nai – Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai), Lưu Văn Phương (sinh năm 1983, Kỹ sư, nguyên nhân viên Công ty AIC), Phan Thành An (sinh năm 1973, nguyên Trưởng Phòng Quản lý Dự án – Đấu thầu Trung tâm Kiểm định và Tư vấn xây dựng tỉnh Đồng Nai), Lê Lâm Đồng (sinh năm 1977, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị thành phố Biên Hòa, nguyên nhân viên Phòng Quản lý Dự án – Đấu thầu của Trung tâm Kiểm định và Tư vấn xây dựng Đồng Nai), Nguyễn Tấn Sỹ (sinh năm 1982, nguyên nhân viên Công ty TCI), Đỗ Văn Sơn (sinh năm 1977, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế), Lê Thị Hương (sinh năm 1983, nguyên Phó trưởng ban Kế toán Công ty AIC), Nguyễn Văn Bằng (sinh năm 1970, nguyên Giám đốc Công ty Tâm Hợp), Trịnh Huy Cường (sinh năm 1975, Trưởng phòng Quản lý xây dựng – Sở Xây dựng Đồng Nai, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Kiểm định và Tư vấn xây dựng Đồng Nai).
Trong đó, hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 222, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015 và “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364, Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hai bị cáo Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 4, điểm a, b – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ.”
Bị cáo Bồ Ngọc Thu bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bị cáo Trịnh Huy Cường bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285, khoản 2 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Các bị cáo còn lại gồm Hoàng Thị Thúy Nga, Phan Minh Trí, Nguyễn Thị Dung, Vũ Quang Ngọc, Nguyễn Công Tiến, Ninh Văn Sinh, Hoàng Thế Quỳnh, Lê Chí Tuân, Nguyễn Đăng Thuyết, Đỗ Mỹ Hạnh, Ngô Thế Vinh, Lê Thị Bích Thủy, Huỳnh Tuấn Anh, Nguyễn Thị Tích, Nguyễn Thị Sen, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Tiến Thu, Nguyễn Quang Minh, Ngô Quang Vinh, Nguyễn Thành Thái, Chu Văn Hiếu, Cao Thị Tám, Lưu Văn Phương, Phan Thành An, Lê Lâm Đồng, Nguyễn Tấn Sỹ, Đỗ Văn Sơn, Lê Thị Hương, Nguyễn Văn Bằng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 222, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong số 36 bị cáo, có 8 bị cáo đã xuất cảnh, hiện đang bỏ trốn, đang bị Cơ quan điều tra truy nã gồm Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà, Nguyễn Đăng Thuyết, Đỗ Mỹ Hạnh, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Thị Tích, Nguyễn Thị Sen và Đỗ Văn Sơn.
Tại phiên tòa sáng 21/12, luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết) cho biết bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết xuất cảnh sang Mỹ từ tháng 4/2021 để giám hộ cho hai con đang theo học tại Mỹ.
Bị cáo Thuyết xuất cảnh từ trước khi các cơ quan tố tụng tiến hành xác minh vụ án này. Bị cáo Thuyết đã gửi đơn tới Hội đồng xét xử xác định tôn trọng toàn bộ nội dung Kết luận điều tra và nội dung Cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Bị cáo Thuyết xin được xét xử vắng mặt và xin chấp hành mọi phán quyết của Tòa. Bị cáo mong mỏi Hội đồng xét xử có một phán quyết công tâm, khách quan, thấu tình, đạt lý.
Hội đồng xét xử đã chấp thuận đơn xin xét xử vắng mặt này của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết và kêu gọi các bị cáo bỏ trốn còn lại tiếp tục ra đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Tổng số có 65 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa. Trong đó, 19 luật sư do Tòa chỉ định để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo bỏ trốn và các bị cáo không mời luật sư bào chữa nhưng thuộc diện phải có người bào chữa theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã triệu tập gần 90 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, người tham gia tố tụng…
Trong đó, Tòa triệu tập đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai với tư cách là nguyên đơn dân sự; triệu tập đại diện các cơ quan, đơn vị: Công ty AIC, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai… với tư cách là các tổ chức, đơn vị tham gia tố tụng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC (từ 2005-9/2020).
Bị cáo Nhàn đã chủ động thiết lập quan hệ với người có chức vụ của tỉnh Đồng Nai là Trần Đình Thành (Bí thư Tỉnh ủy), Đinh Quốc Thái (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh), Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đại diện Chủ đầu tư) để đặt vấn đề, đồng thời trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên đưa tiền, lợi ích vật chất cho những người này với tổng số tiền 43,8 tỷ đồng để Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật.
Bị cáo Nhàn đã chỉ đạo các Phó Tổng Giám đốc là Hoàng Thị Thúy Nga, Trần Mạnh Hà và nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn để tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu; gian lận trong việc lập hồ sơ dự thầu để Công ty AIC trúng 16 gói thầu của Dự án Bệnh viện Đồng Nai với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng, gây thiệt hại trên 152 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát xác định hành vi gian lận và thông thầu của Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã vi phạm quy định tại Điều 12 – Luật Đấu thầu năm 2005, nay là Điều 89 – Luật Đấu thầu năm 2013, có đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.” Hành vi đưa 43,8 tỷ đồng cho những người có chức vụ của bị cáo Nhàn để Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật, phạm vào tội “Đưa hối lộ.”
Cáo trạng nêu rõ việc bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định truy nã toàn quốc số 02/QĐTN-CSKT-P9 ngày 10/5/2022 và Quyết định truy nã quốc tế số A4367/5-2022 ngày 30/5/2022 nhưng không có kết quả; đồng thời, phát thư kêu gọi ra trình diện hoặc đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, thực hiện quyền bào chữa theo quy định; trường hợp không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử.
Tương tự bị cáo Nhàn, bị cáo Trần Mạnh Hà đã bỏ trốn, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án và đang bị Cơ quan Công an truy nã toàn quốc.
Với cương vị Phó Tổng Giám đốc, được giao phụ trách mảng thiết bị y tế trên toàn quốc của Công ty AIC, bị cáo Hà bị Viện Kiểm sát xác định là đồng phạm giúp sức đắc lực cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn thực hiện hành vi vi phạm.
Cụ thể, bị cáo Hà đã nhiều lần cùng Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp gỡ, tiếp xúc với các bị cáo Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái đặt vấn đề chỉ đạo thực hiện tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật. Bị cáo Hà đã đưa 2,5 tỷ đồng cho bị cáo Đinh Quốc Thái, đưa 17,3 tỷ đồng cho Phan Huy Anh Vũ để Công ty AIC trúng thầu; chỉ đạo nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn tạo điều kiện để Công ty AIC trúng 16 gói thầu của Dự án Bệnh viện Đồng Nai.
Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 20 ngày, xét xử cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật./.
Ý kiến ()