Phiên tòa xét xử "tên tội phạm nguy hiểm nhất Châu Âu"
Ngày 7-12 vừa qua, các công tố viên Tòa án Liên hợp quốc xét xử tội phạm chiến tranh ở Nam Tư cũ (ICTY) đã đề nghị kết án tù chung thân đối với viên tướng khét tiếng người Serbia ở Bosnia và Herzegovina, Ratko Mladic vì liên quan tới các tội ác chiến tranh và thảm sát người Hồi giáo ở khu vực Srebrenica năm 1995. Đây được coi là vụ thảm sát đẫm máu nhất ở Châu Âu sau Chiến tranh thế giới II, trong khi bản thân Mladic được báo chí mô tả là "tên tội phạm nguy hiểm nhất Châu Âu kể từ sau thời phát xít".
Cựu tướng lĩnh khét tiếng người Serbia ở Bosnia-Herzegovina Ratko Mladic. |
Sinh ngày 12-3-1943 tại Bozanoviei (thuộc Kalinovik, Herzegovina), Mladic có cha là một thành viên lực lượng du kích Nam Tư và sau đó đã hy sinh trong Thế chiến II. Sau khi hoàn thành bậc tiểu học, Mladic làm việc tại Sarajevo một thời gian trước khi theo học trường công nghiệp quốc phòng tại Zemun năm 1961. Sau đó, Mladic được đào tạo tại học viện quân sự của Quân đội nhân dân Nam Tư ở Belgrade trước khi bắt đầu nghiệp nhà binh trong vai trò một tân binh trẻ nhất đơn vị tại Skopje năm 1965.
Trong suốt những năm sau đó, Mladic đã tỏ ra là một sĩ quan xuất sắc, liên tục thăng tiến và lên tới quân hàm đại tá vào năm 1986. Khi Liên bang Nam Tư bắt đầu tan rã vào năm 1991, Mladic được điều tới thị trấn Knin và một năm sau được phong hàm cấp tướng và đảm nhận quyền chỉ huy toàn bộ lực lượng quân đội Serbia ở Bosnia. Theo cáo trạng, giai đoạn đỉnh cao quyền lực này của Mladic cũng là lúc những tội ác kinh hoàng được lịch sử thế giới biết đến.
Bản cáo trạng được thẩm phán Fouad Riad đọc tại Tòa án quốc tế về tội phạm chiến tranh xử Mladic vắng mặt hơn 10 năm trước đã liệt kê một loạt tội ác khủng khiếp của vị tướng này khi tiến hành chiến dịch tại Srebrenica. Văn bản khẳng định đã tìm thấy những bằng chứng về sự tàn bạo không thể tưởng tượng nổi và được mô tả “giống như những cảnh từ địa ngục được viết trong các trang đen tối nhất của lịch sử loài người”.
Theo Hasan Nuhanovic – một người trốn thoát khỏi Srebrenica có cha, mẹ và một người em trai bị hành hình – trên 500 nạn nhân của vụ diệt chủng Srebrenica là những đứa trẻ dưới 18 tuổi. Thậm chí, Tướng Mladic một mặt an ủi các phụ nữ Hồi giáo tại Srebrenica rằng người thân của họ vẫn an toàn nhưng mặt khác đã ra lệnh giết hại toàn bộ hơn 8.000 đàn ông và bé trai. Tại Sarajevo, ông này cũng cho phép binh lính sử dụng trọng pháo và các tay súng bắn tỉa nhằm vào dân thường.
Kể từ sau khi bị Tổng thống Cộng hòa Serbia Biljana Plavsic truất toàn bộ mọi vai trò và chức vụ năm 1996, Mladic sống tự do tại Belgrade một thời gian và biệt tăm khi cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic bị bắt năm 2001. Trong suốt giai đoạn từ 1995 đến 2006, Mladic đã liên tục phải trốn tránh các cuộc săn lùng của lực lượng truy bắt Anh, Mỹ và NATO. Thậm chí năm 2004, Mỹ đã treo thưởng tới 5 triệu USD cho “cái đầu của Mladic”.
Theo một số nguồn tin, viên tướng này đã có thể lẩn trốn lâu như vậy là nhờ sự bảo vệ, che giấu của một số người Serbia cuồng tín vốn xem ông ta là một nhà ái quốc. Tuy nhiên, đối với hàng nghìn phụ nữ từng bị giam cầm trong “trại hiếp dâm” tại miền Đông Bosnia, gia đình của vô số những người vô tội bị giết hại và cả những người từng phải bất lực chứng kiến sự tàn phá Sarajevo, Mladic là nỗi kinh hoàng.
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()