Phiên tòa giả định: Mô hình hay trong tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên
– Thời gian qua, các phiên tòa giả định (PTGĐ) do Tỉnh đoàn, các huyện, Thành đoàn phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) cùng cấp tổ chức tại các trường THPT đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN).
PTGĐ ngày 25/10/2021 tại Trường THPT Văn Lãng, huyện Văn Lãng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho học sinh nhà trường. Theo cáo trạng tại PTGĐ, khoảng cuối tháng 12/2020, thông qua mạng xã hội Facebook, LVT, sinh năm 2003, học sinh lớp 12 đã làm quen với LQN, sinh năm 2008, học sinh lớp 7, sau đó giữa hai người phát sinh tình cảm nam nữ. Từ ngày 31/1/2021 đến ngày 3/2/2021, T đã gặp gỡ và có quan hệ tình dục với N 2 lần, lúc đó N mới 12 tuổi 6 tháng. Vì vậy hành vi của T đã phạm vào tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, theo Điểm đ Khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo T 10 năm tù giam về tội danh trên.
PTGĐ tại Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn
Em Lương Hoàng Huyên, lớp 11A4, Trường THPT Văn Lãng, huyện Văn Lãng cho biết: Em thấy chương trình rất ý nghĩa, giúp chúng em hiểu thêm các quy định của pháp luật. Trong PTGĐ dù hai bạn quý mến nhau, quan hệ có sự đồng thuận của cả hai bên nhưng vì bạn nữ dưới 13 tuổi nên hành vi của bạn nam vẫn phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Em biết khung hình phạt đối với tội danh này là từ 7 năm tù giam đến tử hình. Qua đây, chúng em rút ra bài học là học sinh nên tập trung học tập và rèn luyện, xây dựng tình bạn trong sáng.
Trên đây chỉ là một PTGĐ được Tỉnh đoàn và Viện KSND tỉnh phối hợp tổ chức. Chị Đàm Thị Thanh Tâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn cho biết: Nhận thấy hiệu quả của PTGĐ, năm 2021, chúng tôi đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ban hành kế hoạch tổ chức PTGĐ tại các trường THPT, cao đẳng thuộc 11/11 huyện đoàn, Thành đoàn và Đoàn Khối các cơ quan tỉnh. Đây là năm đầu tiên, Tỉnh đoàn triển khai mô hình này. Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi đã tổ chức các PTGĐ. Từ đầu năm 2021 đến nay, Tỉnh đoàn, các huyện, Thành đoàn đã phối hợp với viện KSND cùng cấp tổ chức 11 PTGĐ với trên 8.000 người dự (tăng 9 PTGĐ so với năm 2020).
Theo đó, ĐVTN được tiếp cận các kiến thức pháp luật thông qua các giai đoạn trước, trong và sau PTGĐ. Tại các PTGĐ, những tình huống pháp lý có thật đã được tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa, gần gũi với tâm lý, lứa tuổi học sinh như: xét xử các tội danh về ma túy, pháo nổ, xâm hại sức khỏe vị thành niên, bạo lực học đường, giao thông đường bộ… Tuy là PTGĐ nhưng đảm bảo tính thượng tôn pháp luật với đầy đủ các thành phần, quy trình xét xử cơ bản như phiên tòa thật….
Anh Vi Thế Cường, Kiểm sát viên Trung cấp, Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự về an ninh, ma túy, kinh tế, chức vụ, tham nhũng, Viện KSND tỉnh cho biết: PTGĐ là một hình thức tuyên truyền trực quan. Để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, “mềm hóa” những quy định của pháp luật, PTGĐ diễn ra từ 40 đến 50 phút, tập trung vào phân tích, làm sáng tỏ hành vi phạm tôi của bị cáo. Thay vì việc phải tiếp cận những điều khoản, quy định của pháp luật một cách khô khan, ĐVTN được nâng cao nhận thức pháp luật, khi trực tiếp chứng kiến toàn bộ quá trình xét xử theo quy định của pháp luật.
Sau khi kết thúc PTGĐ, ĐVTN được tham gia trả lời các câu hỏi về kiến thức pháp luật liên quan đến phiên tòa. Em Nông Tùng Lâm, lớp 12A1, Trường THPT Việt Bắc cho biết: Ngày 8/11/2021, chúng em được tham gia PTGĐ xét xử vụ án vận chuyển hàng cấm (pháo nổ) và vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, tổ chức tại trường. Sau phiên tòa, chúng em được giao lưu với kiểm sát viên qua các câu hỏi. Qua đó, chúng em được củng cố thêm kiến thức pháp luật, ghi nhớ những nội dung chính của PTGĐ, các kiến thức pháp luật liên quan đến tội danh được xét xử.
Có thể nói PTGĐ là hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan sinh động, giúp cho ĐVTN, học sinh hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện.
Ý kiến ()