Phiên họp thứ tám Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ: Khơi thông điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính
- Sáng 15/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ tám đánh giá kết quả triển khai công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì phiên họp. Phiên họp được tổ chức trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở của tỉnh, UBND các huyện, thành phố.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao, quyết liệt để tháo gỡ những điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện công tác CCHC, đảm bảo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp và phương châm của năm “kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”. Tính đến tháng 6/2024, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 400/991 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 40,36% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.327/3.009 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 44,1% so với kế hoạch đề ra.
Các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa 40 thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ và phê duyệt theo thẩm quyền phương án đơn giản hóa 151 TTHC nội bộ, các địa phương đã phê duyệt phương án đơn giản hóa tổng số 861 TTHC (bãi bỏ 97 TTHC, sửa đổi bổ sung 764 TTHC); 63/63 địa phương ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 31,11%, tại các địa phương đạt 53,2%...
Tại phiên họp, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được và chỉ ra những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại trong việc triển khai các nội dung CCHC trong 6 tháng đầu năm 2024, đồng thời, tập trung phân tích nguyên nhân dẫn đến hạn chế và đề xuất phương hướng, giải pháp nhiệm vụ CCHC 6 tháng cuối năm 2024.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ đề ra các nhiệm vụ: tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong triển khai nhiệm vụ CCHC; đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; đẩy mạnh cải cách thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho sản xuất, kinh doanh; gắn kết chặt chẽ CCHC với chuyển đổi số...
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, cùng sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ trong việc triển khai, thực hiện công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2024, qua đó đã đạt được kết quả tích cực trên tất cả các nội dung.
Đồng chí yêu cầu: Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần khắc phục, khơi thông điểm nghẽn, ách tắc, nâng cao hiệu quả các nội dung công tác CCHC, với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”; tập trung đẩy mạnh rà soát vướng mắc, điểm nghẽn của thể chế, quy định pháp luật, từ đó tháo gỡ góp phần huy động nguồn lực của toàn xã hội, người dân để phát triển; tăng cường đối thoại, chia sẻ, xử lý vướng mắc, bất cập cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là về TTHC; cải cách công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính, đẩy lùi tiêu cực lãng phí trong CCHC; đẩy mạnh xây dựng, phát triển chính quyền số, công dân số, xã hội số, số hóa các cơ sở dữ liệu, hồ sơ TTHC; triển khai hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực, các giao dịch liên quan đến tài chính.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kế hoạch CCHC năm 2024, cụ thể hóa phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị mình; rà soát, kiến nghị bãi bỏ các TTHC, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC, giảm chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp; tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, cố gắng hoàn thiện trong tháng 9/2024...
Tại tỉnh Lạng Sơn, 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác CCHC trên địa bàn tỉnh, theo đó, đã hoàn thành 12/45 nhiệm vụ, 33 nhiệm vụ còn lại chưa đến hạn đang được triển khai thực hiện theo lộ trình thời gian kế hoạch đề ra. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện số hóa được 849.854 hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC lên Kho dữ liệu số hóa của tỉnh; tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 99%; 11/11 huyện, thành phố đã phê duyệt 663/663 đề án vị trí việc làm, đạt 100%... |
Ý kiến ()